5 đột phá về khí hậu toàn cầu trong năm 2022
1/3/2023 7:51:00 AM
Khi năm 2022 khép lại, một lộ trình rõ ràng về khí hậu đã xuất hiện, những đột phá chính sách mới có khả năng mở ra những tiến bộ to lớn trong nỗ lực làm chậm và đảo ngược lại vấn đề nóng lên toàn cầu.
COP27 đạt được thỏa thuận về lập quỹ tổn thất và thiệt hại nhằm giúp các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP
1. Đạo luật quan trọng ở Mỹ
Tháng 8.2022, chính quyền Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ chiếm đa số trong Quốc hội Mỹ đã thông qua được Đạo luật Giảm Lạm phát. Luật mới này của Mỹ có 374 tỉ USD chi tiêu cho khí hậu, là bộ luật về khí hậu tích cực nhất từ trước đến nay của Mỹ, Bloomberg nhận định.
Các điều khoản của luật này đảm bảo rằng, trong nhiều thập kỷ tới, hàng tỉ USD sẽ được trao cho quá trình chuyển đổi năng lượng, giúp việc triển khai năng lượng tái tạo dễ dàng hơn, xây dựng các công nghệ xanh và trợ cấp cho người tiêu dùng sử dụng mọi thứ, từ ôtô điện đến máy bơm nhiệt. Các chuyên gia về mô hình hóa năng lượng dự đoán luật này sẽ loại bỏ 4 tỉ tấn khí thải nhà kính.
2. EU đánh thuế carbon dioxide
Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện cam kết cắt giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 (so với mức của năm 1990). Khối 27 thành viên đã đạt được thỏa thuận lịch sử để thiết lập Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon – loại thuế phát thải với một số hàng nhập khẩu vào EU nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon của Châu Âu vốn phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt của khu vực.
Một dấu mốc quan trọng khác trong năm 2022 là cuộc cải tổ lớn nhất với thị trường carbon của EU sẽ mở rộng thị trường này sang vận tải đường bộ, vận chuyển và sưởi ấm. Việc mở rộng chính sách cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ mà các công ty – từ các nhà sản xuất năng lượng đến các nhà sản xuất thép – phải giảm ô nhiễm.
3. Đột phá lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học
Chỉ hai tuần trước khi năm 2022 kết thúc, các nhà đàm phán tại Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc COP15 ở Montreal, Canada đã có được thắng lợi bất ngờ là cam kết của 195 quốc gia nhằm bảo vệ và khôi phục ít nhất 30% diện tích đất và nước trên Trái đất vào năm 2030.
Các quốc gia giàu có cũng cam kết trả khoảng 30 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030 cho các quốc gia nghèo hơn thông qua một quỹ đa dạng sinh học mới.
4. Các nước giàu tài trợ cho chuyển đổi năng lượng
Đột phá về đa dạng sinh học diễn ra một tháng sau một thời khắc lịch sử khác tại hội nghị COP27 ở Sharm El-Sheikh của Ai Cập. COP27 đã đạt được thỏa thuận về lập quỹ tổn thất và thiệt hại nhằm giúp đỡ các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Một hình thức tài trợ khí hậu khác, Just Energy Transition Partnerships (JETP) cũng được sử dụng rộng rãi hơn trong năm 2022. Cơ chế này giúp các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc nhiều vào than đá tránh xa nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm này theo cách thức không ảnh hưởng đến người lao động và cộng đồng.
JETP trị giá 8,5 tỉ USD của Nam Phi, được công bố vào năm 2021, đã trở thành thiết kế chi tiết cho các thỏa thuận thuộc loại hình này. Những thỏa thuận bổ sung được thực hiện năm 2022 được thiết lập để huy động 20 tỉ USD cho Indonesia và 15,5 tỉ USD cho Việt Nam.
5. Xem xét nghiêm túc vấn đề khí mê-tan
Khí mê-tan, loại khí giữ nhiệt đặc biệt mạnh, đến từ các giếng dầu khí, vỉa than, bãi chôn lấp và chăn nuôi, là mối nguy hại với khí hậu. Từ COP26 năm 2021 tại Glasgow, Anh, các quốc gia đã đăng ký cam kết toàn cầu về cắt giảm lượng khí mê-tan.
Trước thềm COP27 ở Ai Cập, các quốc gia mới như Australia đã tham gia cam kết và nâng tổng số quốc gia cam kết lên hơn 150. Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền ông Biden thúc đẩy quy tắc mạnh mẽ hơn buộc các công ty năng lượng phải làm nhiều hơn để ngăn chặn rò rỉ khí mê-tan.
Nguồn: Baolaodong
Lượt xem : 1003