4 thủ tục hành chính mới về biến đổi khí hậu
2/21/2022 8:23:00 AM
Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định có 04 thủ tục hành chính về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.
Ngày 07/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định có 04 thủ tục hành chính về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.
Theo đó, 04 thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực biến đổi khí hậu thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm: (1) Xác nhận tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường carbon trong nước; (2) Đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; (3) Đăng ký sử dụng, phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát; (4) Điều chỉnh, bổ sung phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát.
Chung tay vì một Trái Đất xanh. (Ảnh minh họa)
Cụ thể:
Xác nhận tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường carbon trong nước: Tổ chức, cá nhân sở hữu tín chỉ carbon hoặc hạn ngạch phát thải khí nhà kính có nhu cầu xác nhận để giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường carbon trong nước gửi hồ sơ đề nghị xác nhận theo mẫu về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời gian xem xét cấp Giấy xác nhận trong tối đa 15 ngày làm việc.
Đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon: Tổ chức có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận đăng ký chương trình, dự án theo mẫu về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời gian xem xét cấp văn bản chấp thuận trong thời gian tối đa 38 ngày làm việc.
Đăng ký sử dụng, phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát: Tổ chức có hoạt động sử dụng các chất được kiểm soát thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nộp hồ sơ đăng ký sử dụng, phân bổ hạn ngạch theo mẫu về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thủ tục đăng ký được thực hiện một lần trước ngày 31/12/2022 và định kỳ cập nhật, bổ sung thông tin đăng ký của tổ chức hoặc đăng ký hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất trong báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/01 hằng năm.
Đây là thủ tục hành chính tích hợp bao gồm việc công bố thông tin đăng ký hoạt động sử dụng và thông báo phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu trong năm của các tổ chức. Cụ thể: Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát hồ sơ và công bố thông tin về tổ chức đăng ký trên Cổng Thông tin điện tử Bộ và trang thông tin điện tử của Cục Biến đổi khí hậu.
Trong thời gian tối đa là 33 ngày làm việc kể từ ngày nhận báo cáo năm của tổ chức, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu, xác minh thông tin trong trường hợp cần thiết, lấy ý kiến cơ quan liên quan và thông báo cho tổ chức có hoạt động sản xuất, nhập khẩu các chất HCFC, HFC.
Hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu các chất HFC được phân bổ từ ngày 01/01/2024.
Điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát: Tổ chức có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát gửi hồ sơ đề nghị điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10 tháng 7 hàng năm. Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch và thông báo cho tổ chức trong thời gian tối đa 33 ngày làm việc.
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ về Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tuyến tại địa chỉ http://dichvucong.monre.gov.vn, trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính theo địa chỉ: Văn phòng Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC của Bộ Tài nguyên và Môi trường (gọi tắt là Văn phòng Một cửa), số 10 Tôn Thất Thuyết, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước được đề xuất trên cơ sở lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn đến hết năm 2027, tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế.
Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025. Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Các chất làm suy giảm tầng ozon được kiểm soát bao gồm: Bromochloromethane; Carbon tetrachloride (CTC); Chlorofluorocarbon (CFC); Halon; Hydrochlorofluorocarbon (HCFC); Hydrobromofluorocarbon (HBFC); Methyl bromide; Methyl chloroform. Lộ trình quản lý, loại trừ các chất HCFC theo giai đoạn như sau:
Trước hết, giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024: tổng lượng tiêu thụ quốc gia không vượt 65% mức tiêu thụ cơ sở; giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2029: tổng lượng tiêu thụ quốc gia không vượt 32,5% mức tiêu thụ cơ sở; giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2030 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2039: tổng lượng tiêu thụ quốc gia trung bình hằng năm không vượt 2,5% mức tiêu thụ cơ sở; cuối cùng, từ ngày 01/01/2040, cấm nhập khẩu và xuất khẩu các chất HCFC.
(Theo Kinhtemoitruong)
Lượt xem : 1433