27 tỉnh được hỗ trợ gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Long An, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Sóc Trăng – Chinhphu cho biết.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trong việc rà soát, thẩm định thủ tục, hồ sơ và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được phân bổ thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Đối với số kinh phí còn lại chưa phân bổ, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát cụ thể các nhiệm vụ chi, đề xuất phương án phân bổ gửi Bộ Tài chính để thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2015.
COP 21: Việt Nam đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu Xanh
Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khai mạc Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (
COP 21) tại Paris (Pháp) ngày 30/11. Quyết định này được xem là một nỗ lực toàn diện của Việt Nam đóng góp vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngoài việc đóng góp về tài chính, Việt Nam còn cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, chung tay cùng cộng đồng quốc tế cứu trái đất trước thảm họa tan băng, bão lũ, nước biển dâng và làn sóng di cư, nghèo đói, dịch bệnh do biến đổi khí hậu gây ra – theo Bộ Tài nguyên & Môi trường.
“Đối với giai đoạn sau năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các quốc gia, các tổ chức quốc tế dành cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng. “Việt Nam sẽ thực hiện tốt trách nhiệm và các cam kết quốc gia của mình”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
75% nước thải công nghiệp xả thẳng ra môi trường chưa qua xử lý
“Hiện nay, Việt Nam có trên 200 khu công nghiệp, nhưng phần lớn đều chưa có giải pháp xử lý
nước thải một cách bền vững. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hàng ngày có hơn một triệu mét khối nước thải được xả từ các công nghiệp và khoảng 75% trong số này không được xử lý, mà xả thẳng ra môi trường, gây nguy hại cho con người và sinh vật.” Nhận định trên vừa được đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra tại hội thảo “Tổng quan về nghiên cứu và phát triển bền vững về nước giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức” do Văn phòng Hợp tác liên bộ giữa Bộ Giáo dục và Nghiên cứu, Đức (BMBF) và Bộ Khoa học-Công nghệ, tổ chức chiều 1/12, tại Hà Nội.
Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến năm 2011, trên cả nước chỉ có 143/232 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, 30 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp. Còn lại, các khu công nghiệp chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì xả thẳng ra môi trường. Điều đáng nói là, do hàm lượng hóa chất trong nước thải công nghiệp cao nên nhiều dòng sông nổi tiếng ở miền Bắc như sông Nhuệ, sông Cầu và sông Đồng Nai ở miền Nam đã bị “chết,” gây ô nhiễm nặng nề - TTXVN cho biết.
Trẻ em Trung Quốc nhập viện hàng loạt vì ô nhiễm không khí
Các trường học hủy hoạt động ngoài trời, nhiều phụ huynh đưa con nhỏ đến bệnh viện vì khó thở là những gì diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 1/12 giữa lúc tình trạng
ô nhiễm không khí nghiêm trọng bước sang ngày thứ 5 liên tiếp. Khói mù dày đặc trên nền trời Bắc Kinh với một màu xám duy nhất khiến các tòa nhà khó có thể được nhìn thấy và nhiều người dân phải đeo khẩu trang khi di chuyển trên đường phố - theo Người Lao Động.
Bà Liu Feifie, 36 tuổi, nhân viên một công ty Internet, cho biết: “Đây là ngày tệ nhất trong năm. Tôi cảm thấy cổ họng bị nghẹt vì đờm và rất ngứa. Nhưng tôi quan tâm đến sức khỏe của đứa con 7 tuổi hơn”. Bên ngoài một bệnh viện nhi ở Bắc Kinh, các bậc phụ huynh bức xúc vì ảnh hưởng của khói mù đối với trẻ nhỏ và cho rằng ô nhiễm không khí khiến chúng dễ mắc các bệnh như viêm họng hoặc cảm cúm. Cô Yin Lina, người đưa con gái 5 tuổi đi khám bệnh viêm mũi, cho biết: “Chính phủ đang xử lý tình trạng ô nhiễm và chúng tôi muốn thấy hiệu quả. Nếu tình hình vẫn không cải thiện trong vài năm tới, tôi sẽ cân nhắc rời khỏi đây”.
Bolivia: Chủ nghĩa tư bản gây ra tình trạng biến đổi khí hậu
Ngày 30/11, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về
biến đổi khí hậu (COP21) tại thủ đô Paris (Pháp), Tổng thống Bolivia Evo Morales tố cáo chính chủ nghĩa tư bản đã gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và cho rằng sự sống trên Trái Đất sẽ bị hủy hoại nếu các quốc gia không thay đổi mô hình phát triển kinh tế tư bản – theo TTXVN.
Nhà lãnh đạo Bolivia khẳng định nếu tiếp tục đi theo con đường chủ nghĩa tư bản, thế giới đang tiến tới chỗ tự sát. Ông đồng thời kêu gọi tất cả các chính phủ, đặc biệt là các cường quốc tư bản ngừng ngay việc hủy hoại Trái Đất. Tổng thống theo đường lối cánh tả Morales là một trong những người đi đầu trong việc kêu gọi các nước trên thế giới đạt được một thỏa thuận trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng như yêu cầu các nước giàu phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ Trái Đất. Thậm chí, Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã đề xuất việc thành lập một tòa án công lý quốc tế về môi trường.
"Biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách với an ninh và kinh tế"
AFP đưa tin, ngày 1/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi mối đe dọa toàn cầu xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách đối với an ninh và kinh tế mà thế giới phải giải quyết ngay lập tức. Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Paris, ông Obama nói: “Nếu Trái đất tiếp tục ấm lên, ngay lúc này chúng ta sẽ phải dành ngày càng nhiều các nguồn lực kinh tế và quân sự không phải để tạo thêm cơ hội cho người dân mà là nhằm ứng phó với nhiều hậu quả khác nhau của một hành tinh đang biến đổi.”
Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ cũng tự tin khẳng định rằng thế giới có khả năng giải quyết vấn đề Trái đất nóng lên đang gây tranh cãi và mọi người không nên tuyệt vọng trước những nguy cơ này. Ông nêu rõ: “Biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn và của nhiều thế hệ. Mặc dù vậy, thông điệp chính của tôi là chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề này – theo TTXVN
Liên hợp quốc phát động sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 30/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã cùng 13 cơ quan Liên hợp quốc phát động sáng kiến mới nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi
khí hậu của các nước dễ bị ảnh hưởng nhất trên thế giới. Sáng kiến thích ứng khí hậu mang tên "Dự báo, Thích ứng và Tái định hình" trước tình trạng biến đổi khí hậu đã được công bố tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đang diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp – TTXVN cho biết.
Cụ thể, sáng kiến này nhằm tăng cường năng lực của các nước trong việc dự báo các nguy cơ, thích ứng với tình huống bất ngờ, và phục hồi sự phát triển nhằm giảm bớt các nguy cơ về biến đổi khí hậu. Trong vòng 5 năm tới, sáng kiến sẽ giúp huy động tài chính và kiến thức, thiết lập và tổ chức các nhóm cộng tác ở các cấp, phối hợp hoạt động nhằm đạt kết quả rõ ràng, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Sáng kiến sẽ giúp giải quyết nhu cầu của gần 634 triệu người, tương đương 1/10 dân số thế giới, đang sống tại những khu vực duyên hải chỉ cách mực nước biển vài mét, cùng những cư dân tại các khu vực có nguy cơ hạn hán và ngập lụt.
Google thúc đẩy mọi nhà dùng năng lượng mặt trời
Project Sunroof là một sáng kiến mới từ Google với mục đích để có nhiều hơn nữa những mái nhà trang bị tấm pin
năng lượng mặt trời giúp cuộc sống ngày càng trở nên “xanh hơn”. Chỉ cần tìm địa chỉ nhà của bạn và công cụ của Google sẽ cung cấp những thông tin giúp bạn quyết định liệu các tấm năng lượng mặt trời có thể là lựa chọn năng lượng tái tạo phù hợp với gia đình của bạn hay không – theo Công Lý.
Công cụ sẽ cho bạn thấy khoảng bao nhiêu ánh sáng mặt trời chạm vào mái nhà của bạn trong năm, dựa trên bản đồ trên không có độ phân giải cao và các mẫu thời tiết địa phương, kèm theo đó là thông tin chi phí mà bạn có thể tiết kiệm được nếu sử dụng năng lượng mặt trời. Khi bạn quan tâm đến việc di chuyển sang lắp đặt hệ thốn năng lượng mặt trời, công cụ này sau đó sẽ gợi ý đến các nhà cung cấp thiết bị năng lượng mặt trời trong khu vực của bạn. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại nó chỉ hoạt động cho các địa chỉ trong khu vực xung quanh San Francisco và Fresno, California, hoặc Boston, Massachusetts, nhưng Google cho biết, họ có kế hoạch mở rộng tầm hoạt động của công cụ theo thời gian.
Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)