Vietnamese English
30 giờ thăm lại Huế: Cảm nhận hoài niệm và đổi thay (Phần cuối)

8/28/2019 11:32:24 PM

(VACNE) - Tôi phóng tiếp xe máy thêm 20km qua huyện Phú Vang, vượt qua 1 đoạn phá Tam Giang ra biển Thuận An. Bãi biển cát trắng, rất rộng, nước trong không kém biển Mỹ Khê – Đà Nẵng, hơn hẳn biển Vũng Tàu, Sầm Sơn....Giữa trưa nắng rát nên tôi không liều lĩnh nhúng nước.

 4. Biển Thuận An


Tôi phóng tiếp xe máy thêm 20km qua huyện Phú Vang, vượt qua 1 đoạn phá Tam Giang ra biển Thuận An. Bãi biển cát trắng, rất rộng, nước trong không kém biển Mỹ Khê – Đà Nẵng, hơn hẳn biển Vũng Tàu, Sầm Sơn....Giữa trưa nắng rát nên tôi không liều lĩnh nhúng nước.


Lạ là bãi biển đẹp vậy (Ảnh dưới, bên trái), lại cách Huế chỉ 20km mà chưa có đầu tư phát triển các resort để thu tiền? Trên bờ hiện nay chỉ có dãy hàng quán kéo dài trên 200m nhưng quá vắng vẻ (Ảnh dưới, bên phải) và 1 số nhà nghỉ 1- 2 tầng.      
                                                

  


Dừng chân 60 phút, uống 2 lon bia HUDA (“Hãy Uống Đi Anh” như dân Huế vẫn gọi). Nhìn ra đường thấy ở khu nghĩ dưỡng cần thư giãn, nhẹ nhàng mà sao lại cần có và lại có rất nhiều khẩu hiệu chính trị (bên phải). Không bình luận....Quay vội về Huế.


5.  Nét mới ở Huế


Chắc bạn sẽ hỏi tôi sau 8 năm trở lại Huế mà chỉ lưu lại 30 giờ (kể cả 7 tiếng nghỉ qua đêm) thì phát hiện có gì mới?


Chỉ cần quan sát kỹ là nhận ra nhiều điều mới lắm: dân đông hơn, nhiều nhà cao tầng hơn, nhà cửa san sát, cao thấp, lô xô hơn, nhiều biển hiệu đủ màu, đủ kích cỡ hơn; đường phố nhiều xe, ồn ào hơn, ô nhiễm hơn, có hơi hướng như nhiều đô thị Việt Nam ngày nay (2 ảnh trên); CHK quốc tế Phú Bài hiện đại hơn, đường liên huyện rộng hơn, nhà dân bên đường nhiều và khang trang hơn…nhất là ven 2 bờ sông Hương xanh, đẹp hơn và thêm khu phố Tây làm cho Huế “by nigh” vui vẻ, bớt đơn địu (xem bên dưới). Biểu hiện tăng trưởng kinh tế và mức sống rất rõ ràng.

  


May sao, nét Huế vẫn còn: tôi đã lang thang chỗ đông người, vào chợ, quán xá mà chưa thấy người xăm trổ, chưa nghe quát mắng, chửi tục, cãi lộn, cà khịa…như tôi vẫn chứng kiến hàng ngày khi ra thủ đô. Sau này, Huế mà còn bảo lưu được phong cách và tâm hồn đất kinh kỳ: nhẹ nhàng, tinh tế - bản sắc thuần Huế thì quý biết mấy! Chỉ cách 1 dãy núi Hải Vân mà người Huệ (Huế) và người Qoảng Nôm (Quảng Nam) khác nhau hoàn toàn về tiếng nói và nhiều tính cách nhưng lại giống nhau ở sự ôn hòa (ít tinh tướng, to tiếng, thách đố, đánh lộn), tính tự trọng (dù nghèo nhưng không ăn xin, ít lừa gạt, chèo kéo, chặt chém…). Tôi cẩn thận dùng từ “ít” vì sợ có người bảo “có đấy”; nhưng nếu “có” chắc là dân “nhập cư”. Đây là lý do vì sao Huế, Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn là các điểm hấp dẫn khách trong, ngoài nước, ít bị than phiền, họ muốn đến nhiều lần.


Điều rất mới là một khu phố đi bộ (dân địa phương gọi là phố Tây) phát triển từ vài năm nay. Khu phố Tây bao gồm các tuyến đường Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An - Võ Thị Sáu – Lê Lợi kéo dài đến đến cây số. Đây thực sự là khu giải trí, thư giãn vui vẻ từ cuối chiều đến giữa đêm cho du khách. Không khí náo nhiệt, khác hẳn nét thâm trầm của xứ Huế.

 


Tối 26/7 sau khi lang thang mấy đường chính tôi tìm một quán vỉa hè uống vài chai, chém gió với mấy thanh niên Hà Lan vì tình cờ biết họ từ thành phố nơi trên 30 năm trước tôi đã học. Khi tôi nhắc đến tên phố cổ Oude Delft, siêu thị Konmar, Aldi… bọn họ không ngờ tại Huế mà có người Việt Nam biết rõ vậy nên rất cởi mở (may mà người Tây, Trung, Nhật, Hàn không gọi nhau bằng “bác, cháu” mà chỉ “you, me” nên mình tự tin tán chuyện bình đẳng).


So với các phố Tây Tạ Hiện ở Hà Nội và Bùi Viện ở Sài Gòn: tôi thích phố Tây Huế hơn: đường rộng, cấm xe cộ; không chỉ có các quán ăn, uống, café, bar mà Tây và du khách còn được nghe nhạc tự phát (bên trái), dạo phố, mua đồ lưu niệm; giá ăn, uống ở khu vui như vậy mà chỉ cao hơn khu vực khác độ 20% và đặc biệt: thư thái, an toàn (bên phải). Phố Tây Tạ Hiện thì quá hẹp, ngắn, đông đúc và chỉ ăn, uống, tán chuyện. Ngược lại, phố Tây Bùi Viện thì dài, rộng, nhiều hẻm, nhiều loại hình dịch vụ ăn, uống, ca nhạc …, nhưng xe cộ tự do lưu thông, lại quá đông du khách, quá nhiều massage girls, quá ồn ào – quá dose (liều) của tôi. Quý thầy cô, anh em hãy đến 3 nơi để thư giãn và so sánh nhé!

 


Bên trái
: có cặp đôi trẻ người Nga: chàng đứng trên cà khêu, nàng đứng canh chừng ba lô ghi dòng chữ Anh, Việt “chúng tôi cần tiền đi Nha Trang, hãy hỗ trợ”. Trong ba lô đã khá nhiều tiền. Nhìn vẻ mặt đoán là dân Russkye nên tôi hỏi chuyện bằng tiếng Nga, cô nàng ngạc nhiên, xưng tên Sveta (Svetlana), bạn trai là Kolia (Nicolai). Cao hứng, tôi bật câu hát “Ivushka zelionaya, nad rekoy sklionnaya, y skajy skajy nhe taya: gde liubov maya?... Devushka thích chí, hồn nhiên hòa theo ngay giữa phố đông người. Đáng buồn là mấy người bán quán bên cạnh bảo: bọn nó đã ở đây xin tiền nhiều ngày rồi. Bên phải: 1 pano ở phố đi bộ “Huế ơi, anh yêu em” và chung quanh đủ thứ tiếng, chắc đều ghi các câu, từ hay, đẹp về Huế. Thật độc đáo và tự hào với Huế.


6. Bạn Huế thân tình


Mục đích đầu tiên đến Huế là thăm Lê Văn Thăng (nay là Phó Chủ tịch VACNE) và anh em môi trường Huế. Tôi không có họ hàng, người quen ở Huế. Dù ra Huế 5 lần rồi mà chỉ quen, làm bạn với các PGS Lê Văn Thăng, Nguyễn Văn Hợp, Trần Anh Tuấn, TS trẻ Tường Vân và 1 số anh em các Sở KH&CN, TN&MT nhưng đã nghỉ.

 


Thật vui vì anh em Huế tiếp mình trân trọng, chân tình như người bạn lâu ngày mới gặp. Mình được đãi nhiều món Huế đặc sắc. Tiếc là thiếu bạn Hợp đi Đông Hà không kịp về. Trưa hôm sau, trước khi ra sân bay, Lê Văn Thăng còn mời các món bánh Huế truyền thống tại quán nhỏ nhưng nổi tiếng nhất cố đô.


7.  Lưu trú ở Huế có mắc không?


Mùa này giá phòng nghỉ ở Huế khá rẻ: hotel bình thường chỉ 300 – 500K/phòng, hostel (4 – 8 người/phòng) chỉ 120 – 150K/người, đủ tiện nghi, sạch sẽ, an toàn. Các món Huế bình dân ngay cả ở khu phố Tây chỉ 30 – 50K là đủ dinh dưỡng. Vì vậy, trong 30 giờ tôi chỉ tốn 700K mà được đủ thứ từ chỗ ở, ăn, uống, la cà phố đi bộ cho đến thuê xe máy. Nhưng nếu anh em nào thích thể hiện đẳng cấp thì không thiếu khách sạn 5 sao: Indochine  Palace, Imperial, La Residence Hotel & Spa, Pilgrimage Village…giá từ 1,8 đến 8,0 triệu/đêm.


Vài năm nay tài chính hạn hẹp; hotel, dịch vụ 5 sao trong ngoài nước tôi cũng không lạ, chỉ muốn tìm hiểu văn hóa địa phương và thử thách sức bền nên tôi chỉ thích đi “phượt” vùng sâu, vùng xa, vùng văn hóa đặc sắc (“phượt” nhưng thực ra phải đi máy bay, ô tô đến tỉnh hoặc quốc gia đó tôi mới thuê xe máy tự chạy chứ không chạy xe từ đầu vì không có nhiều thời gian, không lãng mạn như anh em trẻ). Vừa hòa đồng, vừa rẻ tiền, lại thêm hiểu biết cuộc sống thực của người dân các vùng miền, không như đài báo mô tả.


Cuối cùng nếu có ai hỏi: tôi còn nguyên cảm xúc không? Sau 8 năm, thêm 8 tuổi: với Huế tôi vẫn còn gần nguyên vẹn, dù có bay ít nhiều. Phải chấp nhận thay đổi để Thừa Thiên – Huế phát triển, đâu hoài niệm mãi được. Chỉ mong Huế vẫn giữ đặc sắc cảnh quan, văn hóa và giọng Huế chính hiệu, không nơi nào có được để khi nhắc đến từ “Huế” là ai cũng nghĩ đến điều gì đó, ký ức nào đó nhẹ nhàng, thư thái, lãng mạn và lại muốn quay về. Sẽ tiếc lắm nếu Huế sẽ có dáng dấp như một góc Hà Nội hoặc Sài Gòn!

  


Bên trái
: Con hẻm nơi có khách sạn bình dân tôi nghỉ. Bên phải: 15:00 27/7/2019: lên máy bay ở CHK quốc tế Phú Bài mới nâng cấp, đi tiếp ra Hà Nội; kết thúc đúng 30 giờ thăm lại Huế.                             


Huế 26 – 27/7/2019; TP Hồ Chí Minh, 18/08/2019

Lượt xem : 1378

TIN KHÁC

Bảo mẫu của voi (27/01/2025 10:24 )
DÀI NGẮN (27/01/2025 08:17 )
Thơ Xuân quên (24/01/2025 18:41 )