3.000 ngày canh giữ, biến đảo hoang thành nơi chim bay, cá lượn
4/11/2019 8:05:00 AM
Hơn 15 năm qua, nông dân Bùi Minh Họa đã “đổ” nhiều tỷ đồng để cải tạo khu đầm hoang Đảo Bầu (ở xã Mỹ Đức, huyện An Lão, TP.Hải Phòng) thành trang trại vườn-ao-chuồng (V.A.C) “khủng”. Cũng từ tâm huyết của ông, trang trại bao la này đã trở thành “lớp học sinh thái” khổng lồ, để học sinh có cơ hội được trải nghiệm cùng thiên nhiên.
3.000 ngày bảo vệ Đảo Bầu
Một chiều cuối xuân, chúng tôi đến thăm trang trại Đảo Bầu của ông Bùi Minh Họa. Nằm cạnh sông Đa Độ ở ngoại ô thành phố cảng, Đảo Bầu như nét vẽ cuối cùng, tô điểm bức tranh sơn thủy của vùng nông thôn phía Tây Nam thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng.
Tâm huyết suốt đời của ông Họa là nuôi cá tôm và làm nông nghiệp. Ảnh: Thế Bắc
"|Để tạo nên một trang trại quy mô và “đa năng” như Đảo Bầu, vốn đầu tư nhiều là chưa đủ mà phải cần sự tâm huyết, đam mê. Ngoài ra, niềm vui lớn nhất của tôi là sự ủng hộ của chính quyền, xã hội, gia đình và cả... thiên nhiên. Đây chính là những điểm tựa để tôi tiếp tục cống hiến, mạnh dạn phát triển những dự định của mình...”.
Ông Bùi Minh Họa
|
Nhìn những vườn cây nào bưởi, chuối, ổi... đang độ trổ hoa, tỏa hương ngào ngạt; hàng trăm đàn ong mật tấp nập tìm hoa, kiếm mật; khu nuôi cá rộng hơn 40ha và hàng nghìn mét vuông chuồng trại chăn nuôi..., tôi mới cảm nhận hết được tâm huyết dành cho nông nghiệp của ông Họa.
Ông Họa kể, xuất thân từ con nhà nông nên ông rất thích nuôi cá. Từ hồi làm ở Công ty Xây dựng Bạch Đằng, sau đó “xé rào” kinh doanh xăng dầu và vận tải, ông đã mê đào ao thả cả. Mỗi sáng, ông thường dậy sớm 2 tiếng trước khi đến cơ quan để có thời gian kéo cá bán. Còn buổi tối, sau khi cơm nước xong, ông cũng dành 2 tiếng để chăm sóc cá.
Đam mê như vậy, nên bao nhiêu lời lãi từ kinh doanh, ông đều “đổ” hết xuống cho cá, tôm. Năm 2004, sau khi nghỉ hưu, ông Họa mới thực sự đầu tư mạnh vào nuôi cá và làm trang trại. Ông xin thuê lại của người dân khu ruộng cấy lúa không hiệu quả ven sông Đa Độ, mất hơn nửa năm để vớt bèo, nạo vét mới thành hình khu ao đầm. Con sông được ông “thuần phục”, nắn thành hình chữ C uốn lượn.
Trang trại “đa năng” kinh tế, sinh thái khổng lồ do lão nông Bùi Minh Họa vất vả tạo dựng.
Ảnh: Thế Bắc
Ông còn kết nối với các trường học và gia đình trên địa bàn để họ đưa học sinh, con em đến tìm hiểu, khám phá thiên nhiên; tìm hiểu cuộc sống làng quê thời xưa và thời nay. Ngoài việc hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên, các em còn được thoải mái tham gia câu cá, đánh vó; nấu cơm, bày tiệc; cho chim, cá, gà... ăn.
|
Ông Họa “máu” đến mức chấp nhận đóng 2 lần thuế cho nhà nước một thời gian, sau đó vay tiền để nhận chuyển nhượng hẳn của bà con. Ông còn bỏ hàng chục tỷ đồng để làm đường, kéo điện, xây nhà máy nước...; thậm chí đầu tư một tuyến đường dài 2km, một con mương dẫn nước vào đồng cho bà con trong vùng cùng sử dụng.
Nhưng cũng vì sự táo bạo ấy, ông phải theo đuổi 37 vụ kiện tranh chấp đất vì người dân tin lời kẻ xấu xúi giục. Sau vụ kiện nổi tiếng ấy, với 3.000 ngày đằng đẵng bảo vệ công lý, bảo vệ Đảo Bầu, hơn 76ha khu đồng hoang đã về hẳn với nông dân Bùi Minh Họa.
Bãi sông Đa Độ chua phèn ngày nào nay đã trở thành một trang trại tổng hợp nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Với tâm huyết của ông, vùng đất hoang hóa ấy nay trông giống như “công viên kinh tế”, xứng đáng là hình mẫu kinh tế trang trại hiện nay. Xen lẫn những chuồng trại, hồ nước đầy ắp cá tôm là những vùng cây ăn trái, vùng rau xanh tươi, con đường bêtông uốn lượn...
Toàn cảnh khu trang trại sinh thái rộng mênh mông và đẹp như một bức tranh thủy mặc giàu sức sống do ông Bùi Minh Họa gây dựng nên.
Khu ao đầm với chiều dài khoảng 5km, rộng 100m, sâu 7-8m được bố trí thả các loại cá như trắm, trôi, mè, chép... Mỗi năm, sản lượng cá thịt ông Họa cung cấp ra thị trường xấp xỉ 1.000 tấn, cùng hàng trăm triệu con cá giống. Còn trên bờ là trại của 300 lợn cụ kị giống Mỹ, mỗi con trị giá trung bình trên dưới 200 triệu đồng; nào là trại lợn thịt mỗi năm xuất bán 8.000 con; trại gà đẻ, gà hậu bị cho thu hoạch 4 vạn quả trứng/ngày; trại bồ câu Pháp đang được nuôi thuần hóa...
Đàn chim trở về
Đảo Bầu rộng tương đương diện tích canh tác của cả một làng giúp ông Họa thỏa ước mơ làm nông dân. Nhưng đầu tư vào nông nghiệp nếu chỉ trông vào lợi nhuận thì chẳng có ai làm như vậy, bởi chi phí ban đầu là rất lớn mà cá, tôm được mất còn phải do trời.
Thế nên với ông, đó là đam mê, như là cái vận cuộc đời vậy. Ông Họa luôn tự hào bởi từ cái “hay lam hay làm” của mình đã tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động. Và hạnh phúc hơn cả là sự “trả ơn” của thiên nhiên.
Vùng Đảo Bầu từ ngày có trang trại của ông Họa thì các loài chim trời tìm về trú ngụ, kiếm ăn rất nhiều càng tạo nên khung cảnh thiên nhiên kỳ thú cho nơi đây.
"Đất lành chim đậu”, từ sự tươi tốt, trong lành của vùng Đảo Bầu mà nhiều năm qua, đàn cò trắng hàng nghìn con đã về đây cư ngụ và sinh trưởng. Không những thế, các loại chim như le le, vịt trời, cuốc... và hàng chục giống chim quý mà ông Họa cũng không biết tên cũng tìm về. Mỗi ngày, ông còn cấp “miễn phí” trên 4 tạ cá để làm “bữa sáng” cho các loài chim trời.
Được ưu ái giữ “lộc trời” nên ông Họa nảy ra ý định muốn để mọi người cùng được thưởng ngoạn. Trong thời gian tới, bên cạnh định hướng phát triển trang trại theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ để cung cấp các sản phẩm nông nghiệp an toàn và chất lượng cao, ông sẽ kết hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp trải nghiệm…
Ý tưởng của ông nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành thành phố. Cá nhân ông Họa đã bỏ tiền đi tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm... Sau những chuyến đi bổ ích đó, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng khu vực nhà vườn sinh thái, hệ thống nhà hàng...
Ông Bùi Minh Họa còn kết nối với các trường học và gia đình trên địa bàn để họ đưa học sinh, con em đến tìm hiểu, khám phá thiên nhiên; tìm hiểu cuộc sống làng quê thời xưa và thời nay. Ngoài việc hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên, các em còn được thoải mái tham gia câu cá, đánh vó; nấu cơm, bày tiệc; cho chim, cá, gà... ăn.
Đây cũng là tiền đề để học sinh phát triển kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử với môi trường tự nhiên và bổ sung kiến thức thực tiễn. Với ngành giáo dục, đây là nơi lý tưởng cho các giờ ngoại khoá; là những minh họa sinh động, thực tế nhất của các môn học như sinh học, địa lý, văn học…
(Danviet.vn)
Lượt xem : 1592