Vietnamese English
2016 có thể nóng hơn năm nóng kỷ lục 2015

3/23/2016 8:01:00 AM

Thời tiết năm 2016 có thể còn nóng hơn năm nóng kỷ lục 2015 và nhiệt độ tăng cao đã bắt đầu từ ngay những tháng đầu năm 2016, do tác động mạnh của hiện tượng El Nino - Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đưa ra cảnh báo nhân dịp kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới (23/3).

Nhiệt độ đã lên đến mức cao mới

Trong thông điệp phát đi nhân Ngày Khí tượng Thế giới (23/03) Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới, nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người. Phát thải khí nhà kính ngày một tăng lên, nhiệt độ bề mặt trái đất và đại dương cũng đang tăng dần trên phạm vi toàn cầu.


WMO cảnh báo khí hậu đang biến đổi ở mức độ "chưa từng thấy" và đã có dấu hiệu cho thấy năm 2016 thậm chí có thể phá vỡ kỷ lục nắng nóng của năm 2015

Theo báo cáo của WMO phát đi ngày 21/03, WMO nhấn mạnh nắng nóng kỷ lục, tính theo trung bình hàng tháng, rơi vào tháng 1 và tháng 2 năm nay, đặc biệt ở vùng địa hình cao của bán cầu Bắc.

Nhiệt độ trong hai tháng đầu năm 2016 đã lên đến mức cao mới, sau một năm mọi kỷ lục trước đó đã bị vượt xa. Cũng trong hai tháng này, Bắc Cực ghi nhận hiện tượng tan băng đạt mức kỷ lục, nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính vượt ngưỡng 400 phần triệu.

Ông David Carlson, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới, cho rằng nhiệt độ tăng cao trong năm nay là đặc biệt đáng báo động và đang khiến các nhà nghiên cứu khí hậu bối rối.

WMO cũng đã xác nhận những phát hiện hồi tuần trước của Cơ quan Khí quyển & Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) rằng tháng trước là tháng 2 nóng nhất kể từ khi các số liệu hiện nay được ghi nhận, với nhiệt độ trung bình cao hơn 1,21 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20.

Nhiệt độ đặc biệt tăng cao ở vùng cực Bắc bán cầu, với diện tích băng bao phủ ở Bắc băng dương ở mức thấp kỷ lục vào tháng 2.

“Đó là những dấu hiệu đáng chú ý của hiện tượng biến đổi khí hậu, chúng ta chưa từng chứng kiến hiện tượng như vậy trước đây", ông Petteri Taalas nhấn mạnh, “Chỉ có thể ngăn chặn những kịch bản khí hậu tồi tệ nhất bằng cách áp dụng khẩn cấp các biện pháp nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.”

Xây dựng các cộng đồng chống chịu với thời tiết, khí hậu

Nhiệt độ Trái Đất đã tăng thêm 1 độ C so với đầu thế kỷ 20. Hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế đã nhận thức rõ ràng sự cần thiết phải có những hành động mạnh mẽ để ứng phó.

Năm 2015, chính phủ các quốc gia đã thông qua Hiệp định Paris về Khí hậu tại COP21 nhằm “khống chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu thấp hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp; đồng thời tiếp tục nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ không vượt quá 1,5 độ C”.

Đây là một cam kết đầy tham vọng và kế hoạch ứng phó của các quốc gia có thể còn chưa đủ mạnh để tránh mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 3 độ C. Mặc dù, chúng ta đã  được trang bị kiến thức và giải pháp để đối mặt với tương lai.

Theo ông Petteri Taalas, WMO và các Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia đang đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Do những hoạt động phát thải trong quá khứ và hiện tại, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với xu thế gia tăng nắng nóng trong tương lai (ngày nóng, đêm ấm, sóng nhiệt).

Tất cả những điều này sẽ tác động tới sức khỏe cộng đồng và gây áp lực lớn đối với xã hội của chúng ta. Những rủi ro này có thể được giảm nhẹ nếu các hệ thống cảnh báo sớm thiên tai cung cấp thông tin và cảnh báo kịp thời đến các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan dịch vụ y tế và cộng đồng.

Chúng ta cần phải đối phó với tình trạng hạn hán một cách chủ động hơn nữa thông qua các kế hoạch quản lý tổng hợp. Chúng ta cần phải cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những hướng dẫn về những chính sách và kế hoạch quản lý đất đai hiệu quả. Đồng thời, chúng ta cũng phải tăng cường khả năng tiếp cận với kiến thức khoa học và chia sẻ các kinh nghiệm ứng phó với hạn hán.

Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng nguy cơ mưa lớn và lũ lụt. Chúng ta có thể bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân trước các thiên tai này bằng việc dự báo các tác động, hậu quả khi hiện tượng xảy ra. Đây là phương thức tiếp cận tốt nhất giúp cho các nhà quản lý có kế hoạch hỗ trợ cộng đồng kịp thời và hiệu quả khi thiên tai xảy ra.

Chương trình hành động của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững đã đặt ra một cam kết mạnh mẽ nhằm chấm dứt tình trạng nghèo đói trên phạm vi toàn cầu. Cam kết này bao gồm tăng cường an ninh lương thực, nước sạch và vệ sinh môi trường. Ngoài ra, cam kết này cũng kêu gọi tăng cường sử dụng năng lượng sạch và xây dựng các thành phố chống chịu với biến đổi khí hậu, đồng thời khuyến khích việc quản lý bền vững các hệ sinh thái tự nhiên.

Xây dựng các cộng đồng chống chịu với thời tiết, khí hậu là một phần không thể thiếu trong chiến lược toàn cầu nhằm đạt được phát triển bền vững. 

Theo Minh Phúc (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2448