Johan Rockstrom, chủ tịch Liên minh Trái đất, nhận định 2015 là một trong những năm quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại đối với việc quyết định tương lai của 9 tới 10 tỷ người trên trái đất trong thế kỷ tới.
Giới quan sát kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu tại Paris sẽ tạo ra thành tựu đột phá trong cuộc chiến chống hiệu ứng nhà kính. Ảnh minh họa: earthtimes.org
Quan chức và chuyên gia từ hơn 150 nước đang tập trung tại Paris từ ngày 30/11 – 12/12 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP21) nhằm mục tiêu
ký kết một hiệp định có khả năng ngăn đà tăng nhiệt độ của trái đất dưới mức 2 độ C.
Trong "Tuyên bố Trái đất", các nhà nghiên cứu đề xuất kế hoạch 8 điểm để hạn chế tác động của con người đối với trái đất, trong khi tăng áp lực đối với chính phủ để họ thực thi mọi biện pháp khả thi trong việc giảm mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.
"Chúng ta nên cố gắng để mức tăng nhiệt độ càng thấp hơn 2 độ C càng tốt, vì mức 2 độ C sẽ gây nên tổn thất lớn và tình trạng hỗn loạn. Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với khả năng
nhiệt độ toàn cầu tăng thêm khoảng 4 độ C vào năm 2100, một xu hướng có thể tạo ra những thách thức môi trường khó kiểm soát", tuyên bố nhấn mạnh.
Giới quan sát cho rằng Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu tại Paris là cơ hội tốt nhất để có thể tạo ra một thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto, văn kiện sẽ hết hiệu lực vào năm 2020.
Các nhà kinh tế và chuyên gia khí hậu hàng đầu thế giới nhận định 2015 là năm nhân loại có cơ hội tốt nhất để bảo đảm tương lai an toàn, ổn định cho thế hệ sau.
Để nhân loại có thể tiến tới một tương lai an toàn và ổn định hơn, tiến sĩ Rockstrom cho rằng con người phải thay đổi cách khai thác và sử dụng năng lượng. Ông cảnh báo rằng nếu chúng ta không thay đổi, khả năng nhiệt độ trái đất tăng thêm 6 độ C vào năm 2100 sẽ là 10%.
"Với mức tăng 6 độ C, tôi nghĩ rằng ngay cả những người hoài nghi nhất cũng phải thừa nhận rằng đó là viễn cảnh đáng sợ", ông nói. Vị tiến sĩ giải thích rằng, nếu nhiệt độ tăng thêm 6 độ C, trái đất sẽ không còn khả năng bảo vệ nền văn minh.
“Trái đất ấm lên 2 độ C sẽ đưa chúng ta trở lại thời kỳ băng hà cuối cùng. Khi đó, mực nước biển cao thêm 9 m. Nếu tình trạng băng tan không ổn định, thế giới sẽ mất kiểm soát vì hậu quả kinh tế từ hiện tượng này vô cùng lớn”, ông nhấn mạnh.
Tài chính cho năng lượng sạch – vấn đề sống còn
Theo Nozipho Mxakato-Diseko, nhà đàm phán của Nam Phi, đại diện cho nhóm G77 (gồm 134 nước đang phát triển và mới nổi, cùng Trung Quốc), việc giải đáp những thắc mắc về tài chính nhằm giúp các nước đang phát triển chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch hơn là vấn đề sống còn. “Rõ ràng tài chính là vấn đề quan trọng”, AFP dẫn lời bà Mxakato-Diseko nói.
Theo đó, một số quốc gia giàu cần hỗ trợ các nước đang phát triển hàng trăm tỷ USD từ năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay, thỏa thuận tài chính vẫn chưa được ký. Các quốc gia đang phát triển cảnh báo, tiến trình đàm phán của Liên Hợp Quốc về
biến đổi khí hậu sẽ thất bại nếu vấn đề hỗ trợ tài chính không được giải quyết.
Tại hội nghị, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon kêu gọi một số nền kinh tế hàng đầu thế giới tôn trọng cam kết tài chính mà họ từng đưa ra tại hội nghị lớn nhất về khí hậu cách đây 6 năm. “Tôi đã nói với lãnh đạo các nước phát triển rằng họ cần thực hiện các cam kết. Đây là lời hứa rất quan trọng”, AFP dẫn lời ông nói.
Theo ông Ban Ki Moon, Mỹ sẽ huy động mức hỗ trợ tài chính 100 triệu USD cho các quốc gia đang phát triển để chống biến đổi khí hậu trước năm 2020. Cho tới nay, số tiền hỗ trợ của nền kinh tế hàng đầu thế giới là 62 triệu USD.
Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết hỗ trợ 500 triệu USD trong chương trình hỗ trợ 1 tỷ USD cho Ấn Độ - quốc gia sử dụng nước ngầm nhiều nhất thế giới, để cải thiện quản lý nguồn nước ngầm.
Trong khi đó, tại 9 quốc gia ở lưu vực sông Niger sẽ được hỗ trợ 3,1 tỷ USD theo kế hoạch đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu trong 10 năm tới. Trong đó, giai đoạn đầu WB sẽ cấp khoảng 610 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), cơ quan hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất thế giới thuộc WB cho khu vực này.
Đối với Maroc, WB cũng cam kết hỗ trợ 150 triệu USD cho Chương trình Đảm bảo Tưới tiêu Quốc gia, nhằm giúp người dân nghèo và dễ bị tổn thương có thể tiếp cận với các công nghệ tưới tiêu hiệu quả hơn.
Trong khi đó, WB sẽ hỗ trợ Mombasa, vùng ven biển của Kenya 500 triệu USD để tăng cường an ninh nguồn nước và khả năng ứng phó biến đổi khí hậu.
Trước đó, ngày 24/11, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố khoản ngân sách 16 tỷ USD hỗ trợ các nước châu Phi thích nghi và tăng cường khả năng đối phó với những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu.