Vietnamese English
2,5 triệu USD hỗ trợ nông dân vùng hạn hán

6/2/2016 10:16:47 PM

Ngày 31/5, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định trợ cấp 2,5 triệu USD (tương đương khoảng 55 tỷ đồng) cho các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc) nhằm ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam.

VietnamPlus cho biết dự kiến 150.000 người dân sẽ hưởng lợi từ các dự án can thiệp về nước sạch và khoảng 120.000 phụ nữ mang thai và 7.000 trẻ em sẽ hưởng lợi từ các hoạt động hỗ trợ về dinh dưỡng. Mục tiêu của tài trợ trên nhằm làm giảm suy dinh dưỡng cấp tính, tăng cường cấp nước và cải thiện chất lượng nước cho người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.


Bên cạnh việc cứu trợ khẩn cấp, sự hỗ trợ của Nhật Bản cũng sẽ giúp tăng cường sự hồi phục thông qua nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức nhằm đảm bảo các hệ thống cứu trợ khẩn cấp sẽ trụ vững và hoạt động hiệu quả trong các trường hợp khẩn cấp, và giúp củng cố mối quan hệ giữa các hoạt động cứu trợ nhân đạo và các hoạt động hỗ trợ phát triển.

Thu Minh lọt danh sách sao quốc tế bảo vệ động vật

Liên Hiệp Quốc vừa phát động một chiến dịch toàn cầu nhằm chấm dứt việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã mang tên Wild For Life và đang được cả thế giới hưởng ứng khi sử dụng hashtag #WildForLife. Là một trong những người đầu tiên tham gia vào chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam, nữ ca sỹ Thu Minh vừa được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong 2 gương mặt đại diện của Châu Á (cùng với Lý Băng Băng) trở thành ngôi sao quốc tế truyền cảm hứng cho hàng triệu người tham gia vào chiến dịch toàn cầu Wild For Life đầy ý nghĩa này.

Thu Minh vừa được Liên Hợp Quốc chọn là 1 trong 9 ngôi sao quốc tế tham gia chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu lớn nhất năm 2016. Trước đây, Thu Minh là người đại diện đứng ra kêu gọi ý thức của nhiều người về việc không sử dụng, săn bắt động vật quý hiếm, cụ thể là tê giác. Với chiến dịch #WildForLife, Thu Minh sẽ cùng 9 ngôi sao quốc tế hướng tới mục tiêu huy động hàng triệu người tham gia vào quá trình đưa ra cam kết và hành động để chấm dứt việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã quý hiếm – theo Trí Thức Trẻ.

 “Chim lạ” xuất hiện ở Lào Cai là loài có nguy cơ tuyệt chủng

Các chuyên gia sinh học Hội Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên Việt Nam cho biết, những con “chim lạ” xuất hiện trên những cánh đồng lúa ở xã Bản Qua, Bản Vược (Bát Xát, Lào Cai) trong những ngày gần đây là loài cò nhạn. Cò nhạn là loài chim chân dài, mỏ nhọn, lông màu xám, sải cánh rộng, thuộc họ hạc, tên khoa học là anastomus oscitans đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần bảo vệ nghiêm ngặt – theo VietnamPlus.

Trong những năm gần đây loài chim này đã liên tiếp xuất hiện ở nhiều địa phương khu vực miền Bắc như Hà Nam, Ninh Bình, Điện Biên, Lai Châu. Cụ thể, những ngày cuối tháng 4/2012, một đàn cò nhạn khá đông đã di cư đến địa bàn hai xã Mường Tè, Mường Mô của huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu và người dân đã đổ xô đi săn bắt. Cò nhạn thường sống ở các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam cũng chỉ xuất hiện ở một vài nơi như miền Tây Nam Bộ và Tây Ninh với số lượng không nhiều.

TPHCM "bác" ý tưởng chống ngập bằng “giải pháp mềm” trị giá 20.000 tỷ

Dân Trí đưa tin chiều 31/5, lãnh đạo UBND TPHCM cùng một số sở, ngành đã lắng nghe một doanh nghiệp trình bày đề án giải pháp chống ngập cấp bách nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho thành phố giai đoạn 2025 – 2050. “Giải pháp mềm” để TPHCM hết ngập là xây dựng mô hình “kè hở áp lực cột nước thấp” nhằm giảm đỉnh triều cường trên hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ. Dự kiến, kinh phí triển khai giải pháp này là khoảng 20.000 tỷ đồng.

Cụ thể, giải pháp chống ngập của đề án là kiểm soát triều ở khu vực bờ tả sông Nhà Bè – Soài Rạp. Khu vực này sẽ được xây dựng mô hình “kè hở áp lực cột nước thấp” trên nhánh sông phù hợp thuộc hệ thống sông Soài Rạp, Lòng Tàu và Đồng Tranh. Giảm mức đỉnh triều trên sông Đồng Nai và Vàm Cỏ bằng biện pháp phi công trình là xây dựng hồ Đa nhiệm – Điều tiết tại huyện Cần Giờ nhằm giữ mức triều cường cao bình thường trên các hệ thống sông.

Làng sinh thái không sử dụng điện ở Hà Lan

Dự án làng sinh thái công nghệ cao đầu tiên dự kiến ra đời tại thành phố Almere, cách Amsterdam, 20 phút đi xe, là ý tưởng của công ty Regen Villages có trụ sở tại California, Mỹ. Regen Villages muốn tạo ra các khu dân cư không sử dụng năng lượng điện và hướng đến cuộc sống bền vững với khả năng tự sản xuất thực phẩm, năng lượng, quản lý rác thải tại địa phương và tái sử dụng nước. Bằng cách kết hợp giữa quản lý đất đai và canh tác bền vững cùng cơ sở hạ tầng công nghệ độc lập, Regen Villages tạo ra nguồn năng lượng dư thừa một cách hiệu quả để cung cấp cho mạng lưới điện ở xung quanh, đồng thời trồng khoảng một nửa lượng thực phẩm mà cư dân tiêu thụ - theo VnExpress.

"Chúng tôi đang xem xét việc phát triển bất động sản bằng cách tạo ra các khu dân cư sử dụng năng lượng tái tạo, xem xét những thửa đất trồng trọt có thể dùng để sản xuất nhiều thực phẩm hữu cơ, nước sạch, năng lượng sạch hơn và thải rác ít hơn", James Ehrlich, chủ tịch của Regen Villages, cho biết. Theo Ehrlich, hàng tấn thực phẩm hữu cơ từ rau, quả, các loại hạt, đậu, cá, trứng, thịt, gà, động vật nuôi lấy sữa, có thể được nuôi trồng liên tục quanh năm và cho năng suất cao khi ứng dụng hệ thống vườn thẳng đứng. Dự án làng sinh thái do công ty Effekt, Đan Mạch phụ trách thiết kế, bao gồm 25 ngôi nhà thí điểm và sẽ tăng lên 100 khi hoàn thành vào năm 2017. Sau đó, dự án sẽ được nhân rộng tại Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Đức.

Công nghệ thuộc da không cần nước giúp bảo vệ môi trường

Viện Nghiên cứu da trung ương của Ấn Độ (CLRI) vừa công bố công nghệ mang tính đột phá, thuộc da không cần nước trong quá trình xử lý da, với hy vọng sẽ cứu được những con sông khỏi bị ô nhiễm do nước thải có chứa các chất crom và sulphate độc hại hòa trong hơn 170 triệu lít nước mỗi ngày. CLRI, thuộc Hội đồng Nghiên cứu khoa học và công nghiệp (CSIR), đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế công nghệ nói trên năm 2014.

Giờ đây, viện này đã có một “sản phẩm” và một “quy trình” thuộc da không cần nước và muối, qua đó sẽ giúp tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường. Giám đốc CSIR-CLRI B. Chandrasekaran cho hay, cần đến khoảng 50 lít nước để xử lý 1kg da thú. Đây là lượng nước cần thiết để rửa lượng muối mà các thợ thuộc da sử dụng trong giai đoạn ban đầu nhằm bảo quản da và lượng nước thải sau xử lý này là độc hại. Công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của CLRI sử dụng phương pháp thuộc da trống thông thường thay vì sử dụng vôi nước cùng với các chất phụ gia – theo VietnamPlus.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2027