Cuối giờ chiều 15/12 tại Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Cao Đức Phát đã chỉ đạo cuộc họp khẩn ứng phó
bão Melor. Thiếu tướng Nguyễn Văn Bình, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, cho biết: “Chỉ đạo Bộ Tư lệnh biên phòng thông báo cho các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là 324 phương tiện đang hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa và 199 phương tiện đang hoạt động ở Nam quần đảo Trường Sa. Thông báo hướng dẫn các tàu này vào trú tránh tại các âu tàu, những nơi trú tránh an toàn khu vực quần đảo Trường Sa. Đồng thời chỉ đạo lực lượng sẵn sàng các phương tiện cứu hộ, cứu nạn các sự số tàu thuyền của ngư dân trên đường di chuyển về nơi trú tránh an toàn”.
Đường đi của siêu bão Melor
Đến 15 giờ chiều 15/12 lực lượng biên phòng tuyến biển phối hợp địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm hướng dẫn gần 71.000 phương tiện, tàu thuyền với khoảng 360.000 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh. Hiện khu vực giữa Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có 941 tàu với khoảng 8.138 người – theo VOV.
Ngành công nghiệp nặng và hóa chất gây ra khói mù ở Trung Quốc
Theo báo cáo của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc (MEP), các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất là tác nhân chính gây ra hiện tượng
khói mù gần đây tại khu vực phía Bắc Trung Quốc. Tân Hoa xã dẫn báo cáo công bố ngày 14/12 cho biết sau khi thanh sát 6 tỉnh và thành phố phía Bắc nước này, các chuyên gia của bộ trên kết luận rằng việc các khu công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất nằm rải rác tại khu vực là một rào cản lớn đối với các nỗ lực bảo vệ môi trường – TTXVN cho biết.
Trước tình trạng này, MEP khuyến cáo chính quyền địa phương cần cải thiện công tác quản lý cũng như kiểm soát mức độ ô nhiễm tại các khu vực ngoại ô, đồng thời cần có chế tài xử phạt thích đáng đối với những doanh nghiệp cố tình phớt lờ các quy định về bảo vệ môi trường. Ngày 13/12, MEP cũng đã công bố tên 10 thành phố ô nhiễm nhất tại Trung Quốc trong tháng 11, hơn nửa trong số này nằm tại phía Bắc. Khói mù dày đặc bao phủ thủ đô Bắc Kinh với mật độ PM2,5 (hạt bụi có đường kính 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn) là 634 microgram/m3, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ là là 25 microgram/m3.
Hàng nghìn người châu Âu chết mỗi năm vì ô nhiễm tiếng ồn
Không chỉ bầu không khí mới đáng lo ngại mà tình trạng
ô nhiễm tiếng ồn cũng ngày càng trầm trọng hơn trên phạm vi toàn thế giới. 20 Minutes đưa tin, nghiên cứu từ 11 quốc gia châu Âu cho thấy mỗi năm 10.000 người ở châu lục này tử vong vì ô nhiễm tiếng ồn. Mỹ đứng đầu danh sách các nước ồn nhất thế giới, Italia và Pháp lần lượt đứng ở vị trí số hai và số ba – theo Tạp Chí Giao Thông.
Tính theo thành phố, Napoli (Italy) là nơi
ô nhiễm tiếng ồn nặng nhất châu Âu, tiếp theo là Paris (Pháp), Bruxelles (Bỉ) và London (Anh). Ở Pháp, 1/3 cư dân các đô thị lớn như Lyon, Marseille, Toulouse thường xuyên bị làm phiền bởi âm thanh quá lớn. Ít được đề cập hơn những dạng ô nhiễm khác, ô nhiễm tiếng ồn gây ra những hậu quả không hề nhỏ cho sức khỏe con người. Tiếp xúc nhiều với tiếng ồn làm tăng 30% nguy cơ mắc các bệnh thính giác đồng thời dẫn đến đau đầu mạn tính, suy giảm tập trung và khả năng làm việc, bất ổn tinh thần, stress kéo dài hay thậm chí là đột quỵ.
Đức sẽ thông qua dự thảo chống biến đổi khí hậu vào giữa năm 2016
Phát biểu ngày 14/12 tại Berlin, nữ Bộ trưởng Môi trường Đức Barbara Hendricks cho biết chính phủ liên bang Đức sẽ hoàn tất dự thảo kế hoạch chống
biến đổi khí hậu 2050 vào giữa năm sau và cố gắng nhất trí về các mục tiêu cụ thể trước kỳ nghỉ Hè 2016. Bà Barbara Hendricks tuyên bố tham vọng của Đức là tới năm 2050 sẽ hoàn toàn không còn sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí ga – theo TTXVN.
Đức cũng chủ trương tới năm 2020 sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thêm 40% so với mức của năm 1990 và tới năm 2050 là giảm ít nhất từ 80-95%. Nhiều tập đoàn lớn của Đức hiện đề nghị chính phủ nước này cần có một kế hoạch bảo vệ môi trường quyết liệt hơn, trong khi Hiệp hội công nghiệp Đức (BDI) lại tỏ ra không mặn mà với kế hoạch này. Giám đốc BDI Ulrich Grillo cho rằng chính phủ nên quan tâm tới những mục tiêu chung của Liên minh châu Âu (EU) chứ không nên đặt ra các mục tiêu cụ thể cho riêng nước Đức.
Nhà hàng đầu tiên tính tiền không khí sạch
Kể từ khi ô nhiễm
không khí tràn vào miền bắc Trung Quốc tuần trước, khẩu trang và máy làm sạch không khí đã bán rất chạy. Thực khách ở một nhà hàng thành phố Trương Gia Cảng, tỉnh Giang Tô đã rất ngạc nhiên khi một thứ tưởng hiển nhiên nhưng được tính phí trong hóa đơn thanh toán. Mỗi người dùng bữa phải trả 1 tệ (khoảng 3,5 nghìn đông) cho tiền “làm sạch không khí”. Sau rất nhiều lời phàn nàn lên Cục cảnh sát địa phương, nhà hàng đã bị thông báo rằng hành vi thu phí như trên là sai quy định. Nhà hàng mua máy lọc không khí để cải thiện môi trường thưởng thức ẩm thực, tuy nhiên họ lại bắt người tiêu dùng phải chi trả cho số tiền mua máy móc – theo Dân Việt.
Một cán bộ ở Cục cảnh sát thành phố Trương Gia Cảng cho biết không khí là nguồn tài nguyên thiên nhiên mà ai cũng cần để sinh tồn. Khách hàng tới ăn tại nhà hàng và nhiệm vụ của nhà hàng là phải đảm bảo môi trường trong lành nhất. Vì khách hàng không hỏi mua “
không khí sạch” nên nhà hàng cũng không thể bán không khí dưới dạng hàng hóa được, theo tin từ tờ Bưu điện buổi sáng Bắc Kinh. Chủ nhà hàng đòi “phí làm sạch không khí” vì không hiểu chính sách, luật định liên quan tới giá cả. Ông ta nghĩ rằng có thể đòi tiền bất kì dịch vụ nào cung cấp.
Dân Trung Quốc đổ xô mua không khí sạch đóng chai từ Canada
Doanh số bán hàng sang Trung Quốc của một công ty Canada chuyên sản xuất không khí đóng chai tăng vọt thời gian gần đây do tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng ở đại lục. Moses Lam và Troy Paquette thành lập Vitality Air, công ty
sản xuất không khí sạch đóng chai, vào năm 2014 tại thành phố Edmonton, phía tây của Canada. Họ bắt đầu chuyển hàng sang Trung Quốc khoảng hai tháng trước. “Lô hàng đầu tiên của chúng tôi là 500 chai không khí trong lành. Chúng được bán hết chỉ trong 4 ngày”, Telegraph dẫn lời Moses Lam nói. Ban đầu, sản phẩm không khí được đóng gói hút chân không với giá gần 1 USD. Hiện tại, công ty đã sản xuất chai lớn đựng không khí nén, với giá là 46 USD/sản phẩm – theo Zing.
Một lô hàng gồm hơn 4.000 chai đang được xuất sang Trung Quốc. Theo Moses, phần lớn lô hàng này đã được đặt mua. Hầu hết khách hàng của công ty là công dân sống tại các thành phố lớn ở đông bắc và phía nam Trung Quốc, nơi có không khí bị ô nhiễm nặng. Đại diện Trung Quốc của công ty, Harrison Wang, nói rằng khách hàng của họ chủ yếu là những phụ nữ giàu. Họ mua các chai không khí cho gia đình hoặc làm quà tặng. Tuy nhiên, nhiều gia đình và thậm chí là các câu lạc bộ đêm cũng có nhu cầu mua sản phẩm này. "Ở Trung Quốc, không khí trong lành là một điều xa xỉ, quý giá”, ông Wang nói.