(VACNE) – Đó là 11 cây Nghiến từ 660 năm tới hơn 1.400 năm, trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, thuộc địa giới hành chính thôn Bo Trẳm, xã Ngổ Luông, huyện Tân Lạc được gắn bia Cây Di sản Việt Nam vào ngày 10/3/2023.
Đây là quần thể cây Nghiến lớn, có nhiều cây cao tuổi nhất từ trước tới nay ở nước ta được công nhận danh hiệu này. Cụ thể là: có tới 04 cây hơn 1.000 năm và cây già nhất là 1.432 năm tuổi và có chu vi thân tới hơn 11 mét.
Tới dự buổi Lễ công bố Quyết định và gắn bia Cây Di sản Việt Nam cho các “Đại lão mộc thụ” này, có các vị lãnh đạo huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, BQL Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Đảng uỷ và chính quyền xã Ngổ Luông cùng đông đảo bà con các dân tộc trong vùng.
Về tặng hoa chúc mừng, chia vui với cộng đồng địa phương còn có các nhà khoa học, đại diện Trường Đại học Lâm nghiệp, Hội BVTN&MT Việt Nam, các đơn vị chức năng của tỉnh Hoà Bình, cùng đông đảo các vị lãnh đạo, đại diện các Khu bảo tồn Thiên nhiên của tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá, Sơn La và các xã trong khu vực.
PGS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn đối với cán bộ và nhân dân địa phương , đặc biệt là BQL khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông đã giữ gìn những cây Nghiến cổ thụ này; đồng thời cho biết: đây là những cây cực kỳ quý hiếm còn sót lại; hy vọng bà con cần được bảo vệ, chăm sóc tôt hơn, để làm những cây đầu dòng,nhân giống lâu dài.
Trong diễn văn khai mạc của ông Bùi Văn Hùng, Giám đốc; Bùi Văn Tiềm và Nguyễn Mạnh Huy, Phó GĐ Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông; phát biểu cảm ơn của ông Bùi Văn Thiết, Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Ngổ Luông và phát biểu chỉ đạo của ông Bùi Văn Tình, Phó Bí Thư thường trực huyện Tân Lạc tại buổi lễ trọng thể này, đều bày tỏ vui mừng và mong muốn phong trào Bảo tồn Cây di sản Việt Nam ngày càng lan rộng, thiết thực phục vụ đời sống nhân dân.
Các vị đều coi đây không chỉ là niềm tự hào của cán bộ BQL khu bảo tồn, của cán bộ nhân dân xã Ngổ Luông, mà còn là niềm tự hào chung của Tân Lạc và tỉnh Hoà Bình; đồng thời bày tỏ quyết tâm phối hợp, cùng bà con bảo vệ, chăm sóc tốt hơn những cây Di sản. Bảo tồn những cây này, không chỉ hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn là hành động trực tiếp bảo vệ nguồn nước, bảo vệ cảnh quan môi trường; đồng thời cũng là thông điệp nhắc nhở con cháu biết trân trọng những di sản của cha ông để lại; tự hào về truyền thống của quê hương. Các vị cũng hy vọng, gắn kết những Cây Di sản này với quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Hoà Bình sẽ góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con các dân tộc ở địa phương./.
PV. VACNE