Vietnamese English
10 khu rừng lớn nhất thế giới

8/9/2021 7:37:00 AM

Rừng bao phủ khoảng 31% diện tích đất toàn cầu dù chúng chịu trách nhiệm hỗ trợ phần lớn các loài động thực vật trên trái đất, với nhiều loài đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Một nửa diện tích rừng trên thế giới chỉ được tìm thấy ở 5 quốc gia và nhiều khu rừng đang bị chia cắt và bị đe dọa nghiêm trọng do nạn mất rừng và suy thoái rừng.

Có rất nhiều lý do để bảo vệ rừng. Rừng không chỉ là nguồn oxy giúp vạn vật tồn tại mà còn cung cấp môi trường sống quan trọng cho động vật, sinh kế con người và giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ít nhất, rừng cũng đóng vai trò như một lời nhắc nhở thiết yếu về việc thế giới tự nhiên đẹp đến chừng nào, từ sự hùng vĩ bao trùm của Amazon đến vườn quốc gia nơi quê hương bạn. Dưới đây là 10 khu rừng lớn nhất thế giới.


Rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil (Ảnh: Ignacio Palacios / Getty Images)

Rừng Amazon: Với diện tích khoảng 2,3 triệu dặm vuông tương đương hơn 5,95 triệu km2, rừng nhiệt đới Amazon là khu rừng đa dạng sinh học bậc nhất và lớn nhất
thế giới. Rừng trải rộng khắp Brazil, Bolivia, Colombia, Ecuador, Guiana thuộc Pháp, Guyana, Peru, Venezuela và Cộng hòa Suriname, là nơi sinh sống của 1/10 loài động vật hoang dã được biết đến (với các loài mới được phát hiện gần như hàng ngày). Đáng buồn thay, Amazon đang phải đối mặt với những thách thức môi trường chưa từng có do nạn phá rừng và cháy rừng; gần đây nhất vào năm 2019, khoảng 72.519 km2 đã bị cháy trong khu vực.

Rừng nhiệt đới Congo: Là một phần diện tích tạo nên lưu vực Congo của châu Phi, rừng nhiệt đới Congo bao phủ hơn 3,6 triệu km2 khắp Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo, Cộng hòa Dân chủ Congo, Guinea Xích đạo và Gabon. Là “lá phổi thứ hai” của
trái đất sau Amazon, rừng Congo được bảo vệ thông qua 5 vườn quốc gia riêng biệt và cả 5 đều đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Rừng nhiệt đới New Guinea:
Rừng nhiệt đới của New Guinea chiếm hơn một nửa diện tích đất nước, kết hợp với cảnh quan núi non rộng lớn trải dài hơn 786.000 km2. Vì nằm trên một hòn đảo nên rừng nhiệt đới New Guinea là nơi sinh sống của các nhóm cư dân bản địa và các loài động vật bản địa không có hoặc ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Rừng mưa ôn đới Valdivian: Ít nhất 90% các loài thực vật sống bên trong rừng mưa ôn đới Valdivian nằm ở phía nam Nam Mỹ là loài đặc hữu – điều này có nghĩa là chúng có nguồn gốc bản địa hoặc bị giới hạn trong khu vực này. Với diện tích hơn 248.000 km2, Valdivian cũng là một trong những khu rừng có tỷ lệ thụ phấn cao nhất được thực hiện bởi các loài động vật được ghi nhận trong bất kỳ quần xã sinh vật ôn đới nào.

Rừng quốc gia Tongass: Được tìm thấy ở Đông Nam Alaska và trải dài gần 69.000 km2, Tongass là rừng quốc gia lớn nhất Hoa Kỳ và là rừng mưa ôn đới lớn nhất Bắc Mỹ. Khu rừng nắm giữ gần 1/3 diện tích rừng mưa ôn đới già cỗi trên trái đất và đóng vai trò đặc biệt quan trọng với khả năng dự trữ lượng carbon và sinh khối cao mà chúng đang sở hữu.

Khu dự trữ sinh quyển Bosawas: Được UNESCO công nhận vào năm 1997, Khu dự trữ sinh quyển Bosawas ở Nicaragua có diện tích hơn 22.000 km2 và ước tính có khoảng 13% các loài được biết đến trên thế giới sống bên trong khu vực này – nơi được tạo thành từ sáu loại rừng khác nhau. Khu dự trữ Bosawas cũng là nơi sinh sống của 20 cộng đồng dân tộc bản địa riêng biệt – những người góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và vận hành toàn bộ nền kinh tế của họ ngoài đất liền.

Rừng mưa nhiệt đới Xishuangbanna: Nằm ở tỉnh Vân Nam thuộc miền Nam Trung Quốc, rừng mưa nhiệt đới Xishuangbanna được chỉ định là khu dự trữ sinh quyển chính thức của UNESCO từ năm 1990. Trải rộng khoảng 2.400 km2, khu rừng này hỗ trợ một số lượng lớn các loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm 90% toàn bộ quần thể voi châu Á hoang dã của Trung Quốc.

Rừng nhiệt đới Daintree: Một trong những khu rừng lâu đời nhất trên thế giới là rừng nhiệt đới Daintree ở Australia với độ tuổi được cho lên tới 180 triệu năm, già hơn cả rừng nhiệt đới Amazon. Với diện tích 1.199 km2, Daintree chứa hơn một nửa số loài dơi và bướm của đất nước, trở thành nguồn thụ phấn quan trọng cho phần còn lại của cả khu vực.

Vườn quốc gia Kinabalu: Nằm trên đảo Borneo, Vườn quốc gia Kinabalu được tạo thành từ khu rừng mưa nhiệt đới rộng 753.000 km2. Phạm vi theo chiều dọc độc đáo của nó (từ gần 152 m đến hơn 3.962 m) giúp hỗ trợ một loạt các môi trường sống khác nhau cho một số loài, bao gồm 90 loại động vật có vú, 326 loại chim và 1.000 loài phong lan.

Khu bảo tồn rừng mây Monteverde: Là một trong nhiều khu vực tự nhiên được bảo vệ của Costa Rica, Khu bảo tồn rừng mây Monteverde rộng 100 km2 là một trong những điểm đến ngắm chim phổ biến nhất trên thế giới. Không chỉ là một loại rừng “mây” hiếm gặp trong môi trường miền núi nhiệt đới, nơi điều kiện khí quyển cho phép có mây bao phủ gần như liên tục, Monteverde còn là nơi sinh sống của báo đốm, báo sư tử, một số loài khỉ và ếch cây mắt đỏ sặc sỡ.

Theo BVR&MT

Lượt xem : 2177