10 hiểu biết mới về khoa học khí hậu
2/6/2021 7:28:00 AM
Những tri thức này do 57 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới lựa chọn, đa số liên quan đến những yếu tố rủi ro khí hậu ngày càng tăng.
Báo cáo “10 Hiểu biết Mới về Khoa học Khí hậu năm 2020” vừa được trình bày cuối tháng 1/2021 trước Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Một nhóm gồm 57 nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ 21 quốc gia đã tham gia xây dựng Báo cáo trong khuôn khổ hợp tác của Future Earth, Earth League và Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới (WCRP).
Theo đó, những phát hiện quan trọng nhất của năm qua trong lĩnh vực khoa học khí hậu gồm:
1. Hiểu biết tốt hơn về mức độ nhạy cảm của Trái đất với nồng độ CO2 - tức khi phát thải tăng một lượng nhất định thì nhiệt độ Trái đất sẽ tăng lên bao nhiêu. Kiến thức mới này chỉ ra rằng với các kịch bản có mức giảm CO2 thấp, gần như sẽ không có khả năng đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, và với các kịch bản cắt giảm CO2 ở mức trung bình, khả năng đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris cũng thấp hơn so với dự đoán trước đây.
2. Phát thải khí nhà kính từ lớp băng vĩnh cửu lớn hơn so với các dự báo trước kia do quá trình tan băng đột ngột chưa được đưa vào mô hình khí hậu toàn cầu.
3. Rừng nhiệt đới có thể đã đạt đến mức hấp thụ cacbon tối đa. Nhờ hiệu ứng hấp thụ CO2 của thực vật, các hệ sinh thái đất hiện đang giúp giảm khoảng 30% lượng khí thải CO2 do con người tạo ra. Tuy vậy, tình trạng phá rừng nhiệt đới trên thế giới đã khiến những 'bể chứa carbon' này bị khựng lại. Nhiều nhà khoa học quan ngại khả năng hấp thụ carbon của các hệ sinh thái đất này bị suy yếu.
4. Biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước. Các nghiên cứu thực nghiệm mới cho thấy biến đổi khí hậu đã gây ra các hiện tượng cực đoan như lũ lụt và hạn hán, từ đó dẫn đến tình trạng khủng hoảng nước ở các khu vực khác nhau.
5. Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của con người. Các rủi ro phức tạp, chồng chất đang góp phần gây ra lo lắng và đau khổ cho nhiều người dân. Việc thúc đẩy và bảo tồn không gian cây xanh, biển xanh trong các chính sách quy hoạch đô thị, cũng như bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học trong môi trường tự nhiên sẽ đem lại lợi ích sức khỏe và tăng khả năng chống chọi cho con người.
6. Các chính phủ không nắm bắt cơ hội phục hồi xanh từ COVID-19. Các chính phủ trên toàn thế giới đang huy động hơn 12 nghìn tỷ USD cho các kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19. Để so sánh, các khoản đầu tư hằng năm cần cho một lộ trình phát thải tương thích với Hiệp định Paris ước tính khoảng 1,4 nghìn tỷ USD. Các chính phủ đang không nắm bắt cơ hội để tạo ra một thay đổi tích cực. Chẳng hạn, nhóm G20 đang chi tiền cho các hoạt động dựa trên nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn 60% so với đầu tư bền vững.
7. COVID-19 và biến đổi khí hậu cho thấy cần có một khế ước xã hội mới. Đại dịch lần này đã chỉ ra những bất cập của cả chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc đối phó với những rủi ro xuyên biên giới.
8. Kích thích kinh tế tập trung chủ yếu vào tăng trưởng sẽ gây nguy hiểm cho Thỏa thuận Paris. Một chiến lược phục hồi sau COVID-19 lấy tăng trưởng làm đầu và bền vững làm thứ hai nhiều khả năng sẽ khiến Thỏa thuận Paris bị thất bại.
9. Điện khí hóa đô thị đóng vai trò then chốt cho quá trình chuyển đổi bền vững. Điện khí hóa đô thị có thể xem như một cách giảm nghèo bền vững bởi nó cung cấp các loại năng lượng hiện đại cho hơn 1 tỷ người. Nó cũng là một cách thay thế năng lượng sạch cho những dịch vụ tiện ích hiện nay vốn đang góp phần gây biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cục bộ.
10. Ra tòa để bảo vệ nhân quyền có thể là một hành động thiết yếu về môi trường. Các nhà vận động đang tiến hành ngày càng nhiều các vụ kiện về quyền con người để xúc tác hành động đối phó với biến đổi khí hậu. Họ đang mở rộng phạm vi hiểu biết pháp lý về các chủ thể được nắm quyền bằng cách đưa thêm cả những thế hệ tương lai chưa được sinh ra và các yếu tố tự nhiên, cũng như ai sẽ làm đại diện cho chúng trước tòa.
Trang Linh (lược dịch)
(KH&PT)
Lượt xem : 1048