Quần thể 725 cây pơ mu với đường kính từ 1,5 mét trở lên, trải rộng trên địa bàn hai xã miền núi của tỉnh Quảng Nam vừa được công nhận là cây di sản Việt Nam.
|
Quần thể cây pơ mu hàng trăm năm tuổi trải rộng trên hai xã A Xan và Tr’Hy, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Ảnh: Tiến Hùng
|
Ngày 19/7, ông Bh’ling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam), cho biết Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vừa quyết định công nhận quần thể pơ mu là cây di sản Việt Nam. Với trên 1.200 cây, khu vực này được mệnh danh là “Vương quốc” pơ mu, trải rộng trên hai xã A Xan và Tr’Hy (Tây Giang). Tuy nhiên, chỉ có 725 cây có đường kính từ 1,5 mét trở lên được công nhân cây di sản.
Quần thể cây pơ mu có độ tuổi khoảng 300 đến trên 1.000 tuổi, thuộc khu vực núi Zi’ liêng, độ cao trên 1.500 mét so với mực nước biển. Cây pơ mu lớn nhất có đường kính gần 3 mét, cao 22 mét, ước tính 50 m3.
|
Khoảng 3 năm nay, trước tình trạng lâm tặc liên tục đốn trộm, chính quyền địa phương đã phải lập các tổ bảo vệ cho rừng cây này. Ảnh: Tiến Hùng
|
Theo ông Mia, rừng cây pơ mu không chỉ có giá trị về sinh thái mà còn rất ý nghĩa trong tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Khoảng 3 năm nay, trước tình trạng lâm tặc liên tục đốn trộm, chính quyền phải lập các tổ bảo vệ cho rừng cây. Tổ bảo vệ gồm thanh niên, già làng có uy tín sống ở hai xã thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt “Vương quốc” pơ mu.
Trong dịp này, 2 cây đa sộp có tuổi đời trên 700 năm, đường kính 4 mét ở thôn Arầng 1 (xã Axan, Tây Giang) cũng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam.
Pơ mu là một chi trong họ hoàng đàn. Tại Việt Nam, pơ mu được coi là một loại gỗ quý do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp cũng như trọng lượng khác thường và có đặc tính không bị mối mọt phá hoại. Vì thế gỗ pơ mu được sử dụng để làm các đồ tạo tác mỹ thuật, các loại đồ gia dụng. Nó là loài nguy cấp tại Việt Nam và được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 1996. |
Tiến Hùng