Vietnamese English
(Thời Việt): Về Thành Nhà Hồ chiêm ngưỡng cây thị 600 năm tuổi

4/24/2015 6:16:00 PM

(Thời Việt) - Đó là 2 cây Thị có tuổi đời được xác định khoảng 600 năm tuổi, đường kính cả chục người ôm, tại làng cổ Xuân Giai, (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc,Thanh Hoá) hai cây thị cách khoảng chừng 200m so với Khu di sản thế giới Thành Nhà Hồ.

 Đến với Di sản thế giới Thành Nhà Hồ thời gian gần đây, ngoài việc du khách được chiêm ngưỡng khám phá về Thành Nhà Hồ, còn được giới thiệu về 2 cây thị cổ có tuổi đời 600 năm tuổi, vừa được xác nhận và chuẩn bị đón bằng công nhận cây di sản.

Hiện hai cây Thị cách nhau khoảng 30m và cách Thành Nhà Hồ chừng 200m, nằm trong khuôn viên trường THCS Vĩnh Tiến và một cây ở trước ngõ gia đình ông Trịnh Văn Nội.

 

 Thân cây thị xù xì

 


Theo các cao niên nơi đây kể lại, 2 cây thị cổ có tuổi đời từ rất lâu, ngày trước thuộc vào khuôn viên của nhà chùa, về sau khi nhà chùa phá dỡ, thì nằm trong khuôn viên của Kho vật tư nông nghiệp xã và nay, là trong khuôn viên Trường Trung học cơ sở Vĩnh Tiến và khuôn viên của hộ ông Trịnh Văn Hội. 

Theo người dân, từ bao đời nay, trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, chịu bao khắc nghiệt của thời tiết, cũng như bom đạn chiến tranh dội đổ, thế nhưng hai cây Thị cổ vẫn sừng sững vươn mình rộng lớn. Đó là minh chứng cho sức sống trường tồn, cho ý chí cũng như khát vọng của dân tộc và là biểu trưng cho dân làng nơi đây, là bài học để cha ông truyền dạy cho con cháu.

Qua quan sát thì cây thị có đường kính cả chục người ôm, thân xù xì với nhiều mắt ụ to, gốc trồi lên các rễ lớn kéo dài hàng mét. Đặc biệt, các tán lá của hai cây thị rất rộng, che mát cả một vùng rộng lớn với bán kính cả chục mét…

Hộ dân Trịnh Văn Nội - Trưởng thôn Xuân Giai, chủ hộ có cây thị di sản hồ hởi: “Gia đình chúng tôi sinh sống ở đây từ lâu đời, khi còn nhỏ đã được nghe ông bà kể về cây thị cổ, khi đó chúng tôi hỏi hai cây thị cổ có từ bao giờ, ông bà cũng không rõ. Điều quan trọng, không ai được phạm huý, nói tục hay có thái độ bất kính ở gần cây thị nếu không sẽ bị thần thị trách phạt”.

 

 Cận cảnh cây thị cổ

 


Ông Nội cũng cho biết thêm: “Mấy ngày nay, gia đình tôi và các hộ xung quanh đã tiến hành tổng vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm và khu vực hai cây thị cổ, đồng thời xây dựng tường chắn bảo vệ xung quanh gốc cây. Kinh phí xây dựng được Trung tâm Bảo tồn Di Sản Thành Nhà Hồ hỗ trợ”.

Xuân Giai là một trong những làng cổ nằm trong vùng lõi di sản Thành Nhà Hồ với bề dày truyền thống văn hoá lịch sử. Nơi đây gắn liền với vương triều Hồ, từng là Kinh đô của nước ta từ năm 1400 đến năm 1407. Vào tháng 02 năm 2015, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) đã có văn bản số 145/HMTg thông báo chính thức hai cây thị cổ làng Xuân Giai, thuộc xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá được vinh nhận là cây Di sản Việt Nam. Trước ngày diễn ra lễ đón bằng công nhận 2 cây thị là cây di sản Việt Nam, mọi công tác chuẩn bị đã được người dân ở đây hoàn tất.

Bà Đỗ Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Vĩnh Tiến tự hào cho biết: “Việc trong khuôn viên trường có cây thị cổ khiến chúng tôi rất vui mừng, vinh dự. Bởi đó, các thầy cô trong trường vẫn luôn ý thức trách nhiệm, thường xuyên phổ biến tới học sinh ý thức bảo vệ, chăm sóc cây”. 

Một học sinh tại trường thì hồn nhiên: “Chúng em luôn bảo vệ, chăm sóc cây thị vì đó là cây thị cổ, là biểu hiện văn hoá của làng, đồng thời cây thị cũng linh thiêng, nên có chuyện buồn chúng em lại đến bên gốc thị tâm sự, toả bầy. Hơn nữa, cứ vào mùa thị là cả trường thơm nức hương thị, chúng em cũng hay được các bác bảo vệ, quản lý cây cho ăn quả nên chúng em rất yêu quý cây thị cổ!”

 

Cành cây thị cổ 

 


Được biết, trước đó tại Đền thờ Trần Khát Chân ở thôn 8, làng Đốn Sơn, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), có khoảng cách hơn 1km so với hai cây thị cổ, ngày 21/12/2012, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã quyết định công nhận quần thể 7 cây cổ thụ có niên đại hơn 600 năm tuổi gồm: Cây trôi, cây trám đen, cây vải, cây trâm vối, cây muỗm, cây báng và cây thanh thất vì đủ các tiêu chí là Cây di sản Việt Nam.

Lượt xem : 2225