- Nơi ấy miền thương…
4/30/2020 3:19:00 PM
Tôi xa Vinh khi vừa tròn mười tám, cái tuổi dễ nhớ, dễ quên và lòng luôn náo nức với những điều mới mẻ ở mọi phương trời… Cứ tưởng những mùa xanh trên đất Hà Thành, những phồn hoa đô hội của Sài Gòn và cái mênh mông khoáng đạt của xứ biển Vũng Tàu - nơi giữ chân tôi ngót 40 năm sẽ xóa nhòa đi ký ức về một thành phố nhỏ nhoi, bụi bặm, có những ngày nắng nung người và lạnh tê tái của tuổi thơ. Nhưng thật lạ kỳ là càng đi xa, Vinh càng đau đáu trong tôi, lòng tôi luôn khắc khoải nhớ về và hoài mong ngày trở lại…
|
Nơi ấy, tôi sinh ra trong một đêm mùa Đông lạnh giá và chỉ được mẹ nâng niu cưng chiều hơn một năm vì năm sau đã có sự ra đời của em trai. Nơi ấy, tôi lớn lên nhọc nhằn khốn khó như bao đứa trẻ con nhà nghèo khác, mười tuổi đầu đã biết ôm thùng kem đi bán khắp hang cùng ngõ hẻm để phụ bố mẹ nuôi đàn em… Tuổi thơ tôi, có những ngày ngập tràn niềm vui khi được giải kỳ thi học sinh giỏi, khi cùng chúng bạn náo nức chuẩn bị cho những tiết mục văn nghệ của nhà trường. Nhưng tôi cũng không thể nào quên những ngày hè nắng chang chang lầm lũi đi mót khoai, mót lúa trên cánh đồng nơi gia đình sơ tán, đi kiếm củi, đi đập gạch thuê để nhận vài hào lẻ mua sách bút cho năm học sau.
Thành phố Vinh được hình thành từ sự hợp nhất của ba thị xã (Vinh, Bến Thủy, Trường Thi) từ năm 1927. Nằm ở vị trí đắc địa vừa có núi bao quanh lại gần biển, giao thông thuận tiện Bắc-Nam, từ những năm 20 đến 30 của thế kỷ trước, Vinh là một đô thị sầm uất với những nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, hãng buôn, nhà băng… của người Pháp, Hoa kiều. Nơi đây cũng là cái nôi của thợ thuyền và phong trào cách mạng. Nhưng do chính sách tiêu thổ kháng chiến trong thời kỳ chống Pháp nên khi tôi sinh ra và lớn lên chỉ thấy một thành phố Vinh nghèo nàn với những con đường rải đá, nhà tranh lô nhô trên phố. Tôi nhớ hồi đó (trước 1964) cứ đến 10 giờ 30 sáng tổ dân phố lại cử người đi kiểm tra từng nhà để chắc chắn không ai còn nấu nướng vào cái giờ dễ gây hỏa hoạn vì nơi đây thường có những trận cháy kinh hoàng thiêu rụi nhiều dãy nhà tranh trong thành phố.
Rồi suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, Vinh là một trong những thành phố bị đạn bom tàn phá nặng nề. Năm 1973 từ nơi sơ tán trở về, chúng tôi ngỡ ngàng nhìn thành phố gần như bị san phẳng, những con đường nham nhở hố bom, bụi mù mịt, những khu nhà đổ nát, cây cối tiêu điều… Người dân quê tôi với khuôn mặt sạm đen nắng gió, chịu bao khó khăn, nguy hiểm trong chiến tranh, giờ lại lao vào dựng xây lại thành phố từ một đống đổ nát, hoang tàn. Phải vì sống ở một nơi thiên nhiên không hề ưu đãi lại hứng chịu nhiều hậu quả của “thiên tại, địch họa” nên con người nơi đây chịu thương chịu khó, luôn sát vai bên nhau chia ngọt sẻ bùi. Nhà cửa, trường học, bệnh viện… kiêu hãnh vươn lên trên những hố bom xưa. Lũ học trò chúng tôi cũng góp phần phủ xanh thành phố bằng những đợt lao động trồng cây. Vài năm sau những hàng phượng vĩ trên con đường đến trường đã cho lứa hoa đầu rực rỡ đỏ tươi trong nắng.
Tôi yêu những khoảnh khắc cùng lũ bạn đạp xe trên những con phố nhỏ. Đường thành Vinh những năm ấy khấp khểnh ổ gà, chưa được trải nhựa nên mùa hè bụi tung mù mịt, mùa mưa lép nhép bùn đất… Thành phố trên mảnh đất miền Trung mang nét lam lũ, khắc khổ như chính những con người nơi đầu sóng ngọn gió này, cứ lầm lũi sống, lầm lũi làm lụng, vươn xa… để một ngày bừng lên tươi mới đến ngỡ ngàng. Cứ mỗi đợt về thăm, tôi lại thấy thành phố mình thay da đổi thịt. Nhà cao tầng, những trung tâm thương mại tấp nập, đường rộng thênh thang mấy làn xe chạy… Đi giữa phố mà lòng tôi cứ bùi ngùi nhớ lại những tháng năm vất vả sau chiến tranh. Thế hệ chúng tôi cơm không đủ no, áo không đủ mặc nhưng cuộc sống luôn đầy ắp niềm tin và tình người. Để rồi khi xa trường, xa thành phố, tỏa đi khắp bốn phương trời lập nghiệp, dù thành công đến mấy vẫn mang trong mình cái “chất Nghệ” được hun đúc từ ngày xưa: yêu thương, san sẻ, sát cánh cùng nhau vượt khó.
Tôi đã đi thật xa để rồi khi lòng mình nhói lên nỗi nhớ lại vội vã trở về. Vinh đón tôi trong vòng tay bao dung bè bạn, trong cái nắng hè gay gắt bỏng rát gió Lào hay những ngày mưa dầm rét mướt, tôi vẫn tìm thấy nơi đây những ngọt ngào, những lắng đọng của một miền ký ức không dễ gì phai nhạt trong trái tim. Đường đời xa ngái, chông gai, sau những lần vấp ngã, tôi cứ muốn về mà ôm lấy thành phố nhỏ tuổi thơ tôi, mà đằm mình vào dòng nước sông Lam trong xanh gột đi những vướng bận bụi trần, mà đứng trên núi Quyết nghe gió lộng, thông reo kể một thuở hào hùng thành phố Đỏ…
Khi về lại quê nhà, tôi thích đắm mình trong cái tĩnh mịch an lành của căn nhà nơi xóm nhỏ ngoại ô thành phố. Nằm nghe tiếng bụi tre xào xạc, tiếng lích chích của những chú chim nhỏ chuyền cành, hít căng lồng ngực hương thơm của cây trái vườn nhà, tôi nhắm mắt và hình dung mình trở lại tuổi thơ đói nghèo mà trong trẻo và lòng mình lại chợt rưng rưng khi nhớ lại hình ảnh ông nội và cha - những người đàn ông vất vả suốt cuộc đời đến khi mất đi vẫn chưa được hưởng một ngày thực sự thanh bình, thư thái.
Lần tới về Vinh, nhất định tôi sẽ lên thăm chùa Sư nữ để nhớ về những ngày ôn thi cuối cấp 3 chúng tôi đã chọn nơi đây để tìm sự tĩnh lặng tập trung học bài. Tôi nhớ ngôi chùa cổ trầm mặc nép mình giữa màu xanh cây lá. Xung quanh hồ là đầm sen trắng ngào ngạt hương thơm. Cái tinh khôi, ngan ngát của hương sen xứ Nghệ không chỉ níu lòng du khách mà cứ vương vấn mãi trong tâm hồn những người con xa xứ như tôi, để mỗi khi chồn chân mỏi gối trên đường đời, cứ muốn trở về đằm mình trong mùi hương ấy.
Trở về để thấy lòng mình bình yên, để được khóc, được cười, ríu ran chuyện trò cùng bè bạn. Trở về để trải nghiệm lại cái nóng nung người và gió Lào ràn rạt mỗi mùa hè, cái lạnh tê tái cùng mưa phùn gió bấc mùa Đông… để thấy người dân quê mình vẫn như thuở nào bền bỉ, kiên cường vượt qua mọi thách thức của khí hậu, mọi khó khăn của cuộc sống để dựng xây thành phố to đẹp, để nhà nhà no ấm và luôn rộn lên tiếng cười sảng khoái của người thành Vinh.
Trở về để thấy một mảnh tâm hồn mình nhờ thành Vinh cất giữ bao giờ cũng mộc mạc, an lành và thắm đượm ân tình như con người, cảnh vật nơi đây.
Nguyễn Minh Nguyệt/Xaydung
Lượt xem : 448