(moitruong.com.vn) Năm 2017 sắp qua đi, MTX xin điểm lại 10 sự kiện môi trường nổi bật của năm trong đó đáng chú ý hơn cả như EuroCham công bố sách xanh về Việt Nam; Công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia; Formosa 500 triệu USD đền bù thiệt hại vụ cá chết ở miền Trung; Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường; 1.900 tỉ đồng hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường...
Ngày 9/11, tại TPHCM, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố
sách xanh (Greenbook). Đây là ấn phẩm đầu tiên cung cấp thông tin về ngành năng lượng tái tạo, xử lý nước và rác thải, thành phố thông minh và công trình xanh. Greenbook không chỉ giới thiệu các cơ hội kinh doanh mà còn cung cấp các vấn đề pháp lý về chính sách cũng như khuyến nghị nhằm cải thiện môi trường kinh doanh xanh tại Việt Nam.
Bên cạnh những câu chuyện thành công của các dự án do các doanh nghiệp thành viên EuroCham và các doanh nghiệp châu Âu khác thực hiện tại Việt Nam, danh mục chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh Xanh ở Việt Nam cũng được giới thiệu trong ấn phẩm. Có nhiều doanh nghiệp thành viên của EuroCham hiện cung cấp các dịch vụ và sản phẩm nâng cao chất lượng
môi trường, đời sống, đồng thời cam kết kinh doanh có trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Khi cần thiết, Eurocham sẽ liên hệ các chuyên gia ở Châu Âu hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp chưa có tại Việt Nam.
Công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016: Môi trường đô thị
Ngày 20/7/2017, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã công bố Báo cáo hiện trạng
môi trường quốc gia năm 2016 với chủ đề “Môi trường đô thị”. Đặc biệt, nội dung của Báo cáo đã được sử dụng phục vụ kỳ họp thứ 3 của Quốc hội vừa diễn ra. Báo cáo đã chỉ rõ hiện trạng thực tế là tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhưng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp, đã khiến cho các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường cấp thiết. Số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng nhanh, nhiều phương tiện đã hết niên hạn vẫn được sử dụng đã và đang thải vào môi trường lượng lớn bụi và khí thải.
Ngay sau lễ công bố, Báo cáo được gửi tới các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, để phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách, đẩy mạnh công tác
bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển đất nước một cách bền vững. Đồng thời, Báo cáo cũng được gửi cho các tổ chức chính trị xã hội, các trường đại học, viện nghiên cứu và tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho cộng đồng. Đặc biệt, Bộ TN&MT cũng sẽ triển khai cơ chế theo dõi, đánh giá kết quả tham khảo, vận dụng những khuyến nghị của Báo cáo, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cho các báo cáo chuyên đề vào những năm tiếp theo.
Formosa 500 triệu USD đền bù thiệt hại vụ cá chết ở miền Trung
Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã cam kết và hứa sẽ chi trả ngay số tiền bồi thường 500 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam. Đây là
sự cố môi trường lớn nhất xảy ra ở Việt Nam. Số tiền 500 triệu USD cũng là khoản bồi thường chưa từng có. Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân sự cố cá chết tại 4 tỉnh miền Trung diễn ra chiều 30/6, trả lời VnExpress, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, số tiền 500 triệu USD bồi thường màFormosa Hà Tĩnh cam kết chi trả cho Việt Nam sẽ được dành ưu tiên cho người dân. Đặc biệt là ngư dân các tỉnh miền trung bị thiệt hại do cá chết. Công việc tiếp theo, Chính phủ sẽ giao cho các bộ, ngành và các địa phương xây dựng phương án về bồi thường thiệt hại như: hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, xử lý môi trường bền vững ...
Hiện tượng
cá chết hàng loạt xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết dạt bờ, chủ yếu là loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt.
Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường
Ngày 24/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1618/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc
tài nguyên và môi trường. Đề án trên được thực hiện trong 6 năm 2017 – 2022 trên phạm vi toàn bộ các số liệu quan trắc về tài nguyên và môi trường của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động quan trắc về tài nguyên và môi trường, bao gồm:
Số liệu từ các trạm quan trắc cố định; Số liệu từ các hoạt động quan trắc định kỳ; Các số liệu quan trắc ngoài lãnh thổ Việt Nam phù hợp với các thỏa thuận, điều ước quốc tế; Số liệu quan trắc từ các hoạt động không thường xuyên sẽ được chọn lọc, tích hợp các kết quả quan trắc phù hợp.
Công bố đường dây nóng kiến nghị về ô nhiễm môi trường
Ngày 30/10, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã công bố đường dây nóng cấp trung ương để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về
ô nhiễm môi trường theo số điện thoại 086.900.0660. Theo đó, khi phát hiện những hành vi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường; các vụ việc ô nhiễm, suy thoái môi trường, người dân có thể gọi ngay đến Đường dây nóng của Tổng cục môi trường theo số 086.900.0660.
Đường dây nóng 086.900.0660 sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần (bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ). Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm
môi trường sẽ được Tổng cục Môi trường tiếp nhận và chuyển tới cơ quan chức năng của Tổng cục Môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của địa phương để xác minh, xử lý, phản hồi trong thời gian sớm nhất…
120 triệu USD cấp nước sạch và vệ sinh môi trường Việt Nam
Ban Giám đốc Điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB) đã duyệt khoản tài chính bổ sung trị giá 119 triệu USD cho một dự án đang được triển khai nhằm ứng phó với những thách thức lớn trong phát triển đô thị, với trọng tâm là đảm bảo đáp ứng nhu cầu
nước sạch và xử lý nước thải tại một số khu đô thị ở Việt Nam. Dự án ban đầu được Ban Giám đốc Điều hành của Ngân hàng Thế giới phê duyệt vào tháng 5/2011 và đã tài trợ cho 7 tiểu dự án cấp nước, xử lý nước thải ở 10 tỉnh, với quy mô dân số trung bình là 100.000 người ở các trung tâm đô thị.
Từ tài trợ này, sẽ có thêm 65.872 gia đình được đấu nối với nguồn nước sạch và có tới 312.051 cư dân thành thị được hưởng lợi nhờ điều kiện
vệ sinh môi trường được cải thiện. Khoản tài trợ bổ sung bao gồm một khoản tín dụng trị giá 50 triệu USD từ nguồn IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) – nguồn vốn ưu đãi của Nhóm các Tổ chức thuộc Ngân hàng Thế giới dành cho các nước có thu nhập thấp và một khoản vay trị giá 69 triệu USD từ nguồn IBRD (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế) – tức là nguồn vốn vay của Nhóm các Tổ chức thuộc Ngân hàng Thế giới dành cho các nước có thu nhập trung bình.
TP.HCM thải ra khí nhà kính nhiều nhất nước
Lần đầu tiên việc kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính được thực hiện tại TP.HCM, theo đó thành phố thải ra khí nhà kính nhiều nhất nước. Theo báo cáo mới đây của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về giám sát phát thải khí nhà kính, lượng khí phát thải của TP.HCM đo được trong năm 2013 tương đương với lượng tổng phát thải của toàn nước New Zealand, gần bằng một nửa lượng phát thái của thành phố Tokyo (Nhật Bản) – theo Tuổi Trẻ.
Cụ thể, lượng phát thải
khí nhà kính đo được ở TP.HCM khoảng 38,5 triệu tấn CO2. So với cả nước thì TP.HCM phát thải khí nhà kính nhiều nhất, chiếm khoảng 15% trong khi dân số thành phố chiếm 9% dân số Việt Nam. Trong khi đó, nếu so sánh 91 thành phố tham gia vào chương trình mạng lưới các thành phố đối phó với biến đổi khí hậu, lượng phát thải khí nhà kính trên bình quân đầu người của TP.HCM lại cùng mức với thành phố Seoul, London... mặc dù TP.HCM phát triển kinh tế ít hơn so với các thành phố này. Còn nếu tính theo GDP bình quân đầu người, lượng phát thải khí này thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, khoảng 4.157 tấn/người.
1.900 tỉ đồng hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường
Báo Tài nguyên và Môi trường cho biết sau 15 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã cho vay đến 1.900 tỉ đồng, hỗ trợ cho 245 dự án đầu tư
bảo vệ môi trường trong nước. Hiện, có 8 lĩnh vực bảo vệ môi trường được ưu tiên vay vốn với lãi suất từ 2,6 - 3,6%/năm.
Tuy nhiên, mức cho vay chưa cao, tối đa 50 tỉ đồng, thời gian vay ngắn, tổng nguồn vốn chưa nhiều nên chưa thể hỗ trợ được nhiều dự án. Thời gian tới sẽ xem xét kiến nghị Thủ tướng sửa đổi một số quy định về tài chính trong các nghị định hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ
môi trường để tạo cơ chế tài chính đặc thù, thông thoáng hơn trong ứng phó khi có sự cố môi trường.
Quản lý và cảnh báo bụi bằng ảnh vệ tinh
Hệ thống quản lý và cảnh báo bụi bằng ảnh
vệ tinh thuộc đề tài "Hệ thống quản lý và cảnh báo ô nhiễm không khí" do TS Nguyễn Thị Nhật Thanh - Đại học (ĐH) Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội - làm chủ nhiệm. Đây là một hệ thống phần mềm quản lý và cảnh báo được tích hợp qua Google và chạy trên website: apom.fimo.edu.vn. Chương trình sử dụng cơ sở dữ liệu WebGIS (hệ thống thông tin địa lý) có khả năng cung cấp thông tin về mức độ, các chỉ số về ô nhiễm bụi, mật độ bụi mịn trong không khí tại từng khu vực và hiển thị ngay trên bản đồ lãnh thổ Việt Nam.
Hệ thống này sử dụng công nghệ thu thập và xử lý ảnh MODIS trên vệ tinh Terra/Aqua và VIIRS trên vệ tinh Soumi NPP thu được từ trạm thu ảnh đặt tại ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là hướng nghiên cứu dựa trên mạng lưới hợp tác liên ngành viễn thám -
khí tượng - công nghệ thông tin và truyền thông trong ĐH Quốc gia Hà Nội, trong khu vực và quốc tế và cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh để cảnh báo ô nhiễm không khí. Hệ thống cảnh báo ô nhiễm bụi APOM đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng như các trung tâm quan trắc đặt hàng để thu nhận dữ liệu và đưa vào ứng dụng trong thời gian tới.
MobiFone tiên phong lắp đặt trạm thu phát sóng thân thiện môi trường
Trong số các nhà mạng, MobiFone là DN đầu tiên xây dựng đề án thí điểm trạm BTS
thân thiện với môi trường, kết hợp điểm thông tin đa năng tại Hà Nội; đã được tập thể lãnh đạo UBND thành phố thông qua và quyết định cho thí điểm ở 10 vị trí. Những trạm thu phát sóng mới của MobiFone không chỉ giúp người dùng truy cập sóng 3G, 4G mạnh hơn, mà còn thân thiện với môi trường. Đây là lần đầu tiên các trạm thu phát sóng theo tiêu chuẩn vừa thân thiện với môi trường, vừa mang tính thẩm mỹ cao được lắp đặt tại Việt Nam.
Tổng công ty Viễn thông MobiFone, cột BTS bằng thép cao 28m (tương đương với chiều cao của tòa nhà 7 - 8 tầng), được thiết kế gồm các hạng mục: Phần lắp đặt ăng ten theo tiêu chuẩn mới nhỏ, gọn, cách điệu hình lá sen; phần hệ thống đèn LED chiếu sáng; trạm phát wifi; bảng thông tin tuyên truyền về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố; bảng thông tin du lịch. Sau khi thí điểm lắp đặt 10 trạm BTS giai đoạn 1 của đề án, Sở TT-TT Hà Nội cùng MobiFone sẽ đánh giá, báo cáo UBND thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2, lắp đặt khoảng 300 BTS thân thiện với môi trường trên toàn địa bàn.