Vietnamese English
(Báo Tiền Phong): Những di tích cổ bên Di sản Thành Nhà Hồ

4/24/2015 6:25:00 PM

Xung quanh những bức tường thành kỳ vĩ ở Di sản Thành Nhà Hồ (tọa lạc ở hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay) đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, còn có những di tích cổ mang nhiều bí ẩn mà ít người biết đến.


Toàn cảnh hình ảnh ngôi nhà cổToàn cảnh hình ảnh ngôi nhà cổ
Giếng cổ hàng trăm năm tuổi 

Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc) là ngôi làng cổ gắn liền với sự hình thành, hưng vong của kinh thành Tây Đô (tên gọi khác của Thành Nhà Hồ) với hơn sáu trăm năm lịch sử vẫn lưu giữ trong mình những yếu tố cấu thành nét văn hóa đặc trưng của các làng quê Việt, nhưng cũng chứa đựng những nét riêng của một vùng đất từng là kinh đô của đất nước. 

Giếng cổ làng Xuân Giai tọa lạc ở vị trí trung tâm của làng, ở phía Đông của đình, cách Thành Nhà Hồ 300m về phía Đông Nam. Giếng có hình tròn, kích thước miệng giếng là 2,4m, thành cao 1,1m, lòng giếng sâu 5 - 6m. Giếng được xếp theo hình chữ công, so le nhau. Mạch được vít bằng chất kết dính. Thành giếng được xây bằng gạch bìa giống như loại gạch được phát hiện qua khai quật tại Thành Nhà Hồ, di tích đàn tế Nam Giao. Đây là loại gạch có kích thước lớn, trung bình 50cm x 25cm x 9cm, trọng lượng trung bình 15 - 20 kg.

Do được làm từ đất sét luyện kỹ, đem nung ở nhiệt độ cao nên trãi qua hàng trăm gạch vẫn giữ được màu sắc hồng tươi, không bị thôi bột, biến dạng. Điều đặc biệt, trên cạnh của nhiều viên gạch có in/khắc nhiều chữ Hán - Nôm ghi tên địa danh đã sản xuất gạch. Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã phát hiện và nghiên cứu được 5 dấu in/khắc tên địa danh hành chính như: Đại An Quý (xã), Nhuế Hỏa, An (Yên) Lâm xã, Cổ Đới xã, Cổ Lôi huyện Trần xá xã (thuộc huyện Thọ Xuân ngày nay)

Gạch bìa in dấu các địa danh hành chính ở cạnh ngang hoặc cạnh dọc; dấu được in chìm vào gạch với chữ nổi hoặc chìm theo chiều dọc từ trên xuống dưới. Chất liệu đất sét mịn lẫn rất nhiều hạt laterite to nhỏ khác nhau, đất được làm khá mịn, không để lại dấu vết của kéo cắt đất; độ nung cao, rất cứng, chắc và nặng, màu đỏ gạch hoặc xám nhạt. 
Các cụ cao niên trong làng cho biết giếng có từ rất lâu đời và từ đời nào cũng không ai biết rõ. Nhưng chắc chắn giếng đã có hàng trăm năm tuổi, bởi vì các cụ già hiện nay trên tuổi 90 vẫn kể rằng, giếng có từ trước đời cha, ông của các cụ. Tới những năm 1945 - 1946, đội du kích làng Xuân Giai, khi đó vừa mới được thành lập, đã cùng dân làng cải tạo lại giếng trên cơ sở giếng cũ, khi đào xuống đáy, mạch nước phun lên cuồn cuộn, phải huy động cả làng múc nước, nhưng cũng không cạn hết nước giếng.

Giếng làng Xuân Giai có tiếng mát trong và ngọt, đặc biệt dùng để pha trà, ủ chè và nấu rượu rất thơm ngon, được nhân dân cả vùng ưa thích. Các cụ già trong làng vẫn gọi, nước giếng làng là nước “đãi ngoại”, có nghĩa là đối với khách vãng lai hoặc những người từ những nơi khác đến định cư, dâu, rể của làng khi dùng nước giếng thì luôn mạnh khỏe, da dẻ trở nên hồng hào, đẹp đẽ.

Trong những năm gần đây, có tục lúc giao thừa đến thắp một tuần nhang cắm lên thành giếng, xin gánh một gánh, hay xô nước mang về nhà lấy lộc đầu năm, với mong muốn cầu mong cho gia đình bình an, khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt. Hiện nay, giếng không còn được dân làng sử dụng nữa, các hạng mục của giếng đều bị hư hại, xuống cấp, có nhiều vết nứt lớn trên thành giếng. Sân lát gạch bị bong tróc và sụt lún. Trong lòng giếng cây dại mọc tốt, cắm sâu rễ vào các kẽ gạch, rêu mốc phủ kín bề mặt. 

Theo tiến sĩ Đỗ Quang Trọng- Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho biết: Về niên đại chính xác liên quan đến sự ra đời của giếng cổ làng Xuân Giai cần có quá trình nghiên cứu, điều tra tư liệu. Nhưng có thể khẳng định, việc nghiên cứu, bảo tồn giếng cổ hàng trăm năm tuổi tại Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ là tư liệu khẳng định và góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, bảo tồn các làng cổ tại Di sản theo khuyến nghị của UNESCO (đối với làng Xuân Giai, Tây Giai xã Vĩnh Tiến và Đông Môn xã Vĩnh Long), góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Ngôi nhà cổ và cây thị 

Ngôi nhà cổ tọa lạc trên một khu đất thoáng rộng, ở vị trí trung tâm làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, cách Thành Nhà Hồ khoảng 400m về phía Nam.

Ngôi nhà được ông Đề, một chức quan ở huyện dưới triều Nguyễn cho xây dựng dựng năm thứ 7 đời vua Thành Thái (1895). Hiện nay chủ nhân của ngôi nhà là ông Trần Tuấn Đạt, đời thứ 4 đang sinh sống. Ngôi nhà được đánh giá là một trong những công trình mang nhiều giá trị về kiến trúc nghệ thuật và lịch sử văn hóa.

Về kiến trúc, đây là ngôi nhà được thiết kế kiểu chữ nhất (-) gồm 5 gian, tường hồi bít đốc (3 gian ngoài và 2 gian buồng ở hai bên), diện tích 100 m2. Bộ khung nhà (bộ vì) được làm bằng gỗ, liên kết theo kiểu chồng rường kẻ chuyền. Hoành tải, rui bằng luồng. Các kẻ hiên được chạm trổ tinh xảo. Cửa gỗ hình cánh bướm, sàn nhà lát bằng gạch bát, bậc tam cấp làm bằng chất liệu đá xanh, trên mái lót ngói liệt trên lợp ngói vẩy. Hệ thống cột cái và cột quân được đặt trên chân tảng bằng đá thấp.

Họa tiết trang trí trong ngôi nhà được trình bày hết sức tinh tế và hàm chứa nhiều ý nghĩa, thể hiện sự khéo léo, tài tình của những nghệ nhân thời Nguyễn. Đề tài trang trí lấy cảm hứng từ thiên nhiên, với bộ tứ quý tùng trúc cúc mai làm chủ đạo. Kẻ bảy chạm khắc hoa cúc có hướng hóa rồng trong thế chầu vào trong nhà. Về vật liệu dựng ngôi nhà này, ông Đạt cho biết, nhà được kết cấu từ nhiều loại gỗ khác nhau và có sẵn tại địa phương như lim, mít, xoan…

Trước đây, trong nhà có nhiều hoành phi, câu đối, sắc phong... Trải qua thời gian và thăng trầm biến cố của lịch sử, nay chỉ còn lại một số Hán tự ghi trên xiên hoa. Điều đặc biệt, toàn bộ phần tường của ngôi nhà được xây bằng gạch bìa, kích thước 47 x 24 x 9 cm, giống gạch được khai quật tại Thành Nhà Hồ, trong đó có rất nhiều viên có dấu in/khắc chữ Hán tên các địa danh và một số tên chưa được xác định. 

Khác với quan niệm truyền thống, khi xây dựng nhà cửa, thường chuộng hướng Nam trong “tứ chính” Đông - Tây - Nam - Bắc. Nhưng đối với ngôi nhà này, khi dựng lại chọn hướng Đông. Lý giải điều này, ông Đạt cho biết “khi dựng nhà cửa ông bà trước đây xem xét rất kỹ, hướng Đông là hướng mặt trời mọc, có ánh nắng sẽ xua tan sự tối tăm, vạn vật mới được sinh trưởng, phát triển, cho nên nó tượng trưng cho sự sinh tồn, niềm hy vọng, tiềm lực, sự hưng vượng, tiến triển và lý tưởng”. Trước nhà có sân rộng rãi, không gian thoáng đãng, trước đây phía trước có nhiều đầm hồ là nơi tụ khí rất tốt cho ngôi nhà.

Ngôi nhà là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện, không những có ý nghĩa đối với làng, mà còn đối với quê hương, dân tộc. Trước năm 1945, vào những dịp quan trọng, như trong nhà có người thi đỗ, đến tuổi khao lão hoặc mừng chức lý trưởng, gia đình mở lễ khao vọng, mời các chức sắc và dân làng đến tham dự. Trong lễ khao vọng, gia chủ cho mời các gánh hát chèo, hát bội đến hát xướng góp vui, lại tổ chức những trò chơi tổ tôm, bài điếm..., ăn uống có khi đến hai, ba ngày liền. Sau năm 1954, ngôi nhà trở thành nơi sinh sống, chở che cho bao lớp cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc tập kết. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngôi nhà vừa là nơi ở của bộ đội, vừa trở thành kho đạn dược, vũ khí và che dấu xe vận tải vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hiện nay, tại làng Xuân Giai, ngoài ngôi nhà của gia đình ông Đạt, còn có một số ngôi nhà khác, có tuổi thọ hàng trăm năm, có giá trị kiến trúc cao, nhưng do không đảm bảo tính họa tiết nên chưa được Nhà nước công nhận. 

Cũng như bao kiến trúc nhà cổ khác trong làng, hiện nay, nhà cổ của gia đình ông Trần Tuấn Đạt đã và đang bị xuống cấp, nhiều hạng mục như tường, hệ thống cột gỗ, vì kèo bị hư hỏng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì vậy, việc bảo tồn nguyên trạng ngôi nhà là vấn đề cần kíp. Để thực hiện được điều này, cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy những di sản của ông cha để lại.

Một tin vui mới đối với di sản Thành Nhà Hồ là vừa qua, ngày 12/2/2015, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã có văn bản chính thức thông báo hai cây thị cổ làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Đây là hai cây thị đã trên 600 năm tuổi (tương truyền có từ thời Trần - Hồ) được trồng trong khuôn viên ngôi chùa cổ trước đây, nằm cách Hào thành phía Nam của Thành Nhà Hồ 30m. Cây có chu vi trên 10m, chiều cao trên 20m. 

Hai cây Di sản nằm ở vị trí trung tâm làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến - một làng cổ gắn liền với quá trình hình thành, hưng vong của vương triều Hồ và Thành Nhà Hồ trong lịch sử dân tộc. Đây cũng là dấu tích còn sót lại của một công trình tôn giáo có vai trò quan trọng phục vụ đời sống tâm linh của người dân Tây Đô suốt nhiều thế kỷ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đây từng là nơi nghỉ ngơi, ẩn trú của xe cộ, binh pháo của bộ đội trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam. Là nơi che chở cho dân làng trước bao trận bom đạn của giặc Mỹ cày xéo trên mảnh đất quê hương. Có thể nói, những cây cổ thụ tại làng Xuân Giai được công nhận là cây di sản của Việt Nam sẽ làm tôn thêm giá trị lịch sử vốn có của nó, từ đó khơi dậy niềm tự hào của người dân địa phương, để người dân có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên và môi trường quê hương, bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.

Chi tiết nhà cổ
Cây thị
Giếng cổ

Lượt xem : 1976