Vietnamese English
(Báo Tiền Phong): Gắn biển Cây Di sản Việt Nam cho 'Vương quốc Pơ mu'

5/12/2016 7:37:00 AM

TPO - Ngày 10/5, UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) tổ chức lễ gắn biển và đón nhận bằng công nhận “Vương quốc Pơ mu” là quần thể Cây Di sản Việt Nam.


 
Gắn biển Cây Di sản Việt Nam cho 'Vương quốc Pơ mu'
Gắn biển rừng cây di sản đối với quần thể rừng Pơ mu quý hiếm.

 

Quần thể rừng Pơ Mu thuộc xã Axan và Tr’hy (Tây Giang) thuộc khu vực núi Zi’liêng, độ cao trên 1.500 mét so với mực nước biển, trải dài trên diện tích 250 ha, cách huyện lỵ Tây Giang khoảng 40 km về phía tây được mệnh danh “Vương quốc Pơ mu”. Quần thể rừng quý hiếm này được người dân địa phương phát hiện trong quá trình mở đường từ năm 2011 và được người dân, cùng chính quyền bảo vệ nguyên vẹn từ đó đến nay.


Quần thể rừng Pơ mu nguyên sinh quý hiếm hơn 1.400 cây, được đánh giá là một trong những rừng cây gỗ quý hiếm nhất còn sót lại ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Các cây Pơ mu có độ tuổi khoảng 300 đến trên 1.000 tuổi, cây pơ mu lớn nhất có đường kính gần 3 mét, cao 22 mét. Trong số đó, 725 cây Pơ mu nguyên sinh tại đỉnh núi Zi’liêng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN công nhận là Cây Di sản VN và được hưởng các điều kiện ưu đãi theo quy định của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN.




Một gốc cây Pơ mu cổ thụ, độ tuổi hàng trăm năm.

Người Cơ Tu nơi đây quan niệm, Pơ mu là vật thiêng của làng, nên họ hết sức giữ gìn. Già làng Pơloong Đưm (thôn Arầng 1, xã A Xan) cho biết: Theo truyền thống của đồng bào nơi đây, những cây to trong rừng là chỗ trú ngụ của thần linh, hoặc là nơi linh hồn người chết trú ẩn. Những cây Pơ mu to lớn cũng không ngoại lệ, nên quyết tâm gìn giữ cho con cháu mai sau.


Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang cho biết, sau khi phát hiện rừng Pơ mu, huyện đã nhanh chóng thành lập Tổ quản lý bảo vệ rừng Pơ mu với 28 thành viên, chủ yếu là thanh niên ở các thôn của xã A Xan. Hằng năm, UBND huyện trích một khoản kinh phí cho người dân và tổ quản lý này. Sau khi đo đếm, xác định trữ lượng, toàn bộ cây pơmu ở đây được gắn chíp định vị và đánh số để dễ quản lý. Hiện nay diện tích rừng này được bảo vệ nghiêm ngặt...



Các cây Pơ mu được đánh dấu để bảo vệ.


Hành trình trở thành Cây Di sản Việt Nam của pơmu khá gian nan. Ông Bh’riu Liếc, Bí thư huyện ủy Tây Giang cho biết: để rừng Pơ mu của người Cơ tu được công nhận là cây di sản, chính quyền huyện đã liên tục kiến nghị bằng văn bản lên tỉnh, trung ương. 


Đồng thời, trực tiếp làm việc với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam để giúp hoàn thiện hồ sơ, khoan cây đo độ tuổi để được công nhận cây di sản quốc gia. Rừng Pơ mu thành rừng cây di sản sẽ mở ra hướng phát triển du lịch cho địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ nguyên vẹn cánh rừng nguyên sinh, quý hiếm này.


Quần thể rừng Pơ mu sẽ trở thành điểm du lịch thú vị.


Cũng trong dịp này, UBND huyện Tây Giang cũng tổ chức công bố nghề dệt thổ cẩm, nói lý – hát lý, múa tân’tung - da’dă của người Cơ Tu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang  được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chứng nhận bảo trợ di sản.

Nguyễn Thành

Nguyễn Thành (Báo Tiền Phong)

Lượt xem : 2532