(Báo Lao Động): Trao bằng công nhận cây thị cổ thụ đình Trung Tự là cây di sản Việt Nam
Cây thị cổ có tuổi đời hơn 300 năm ở đình Trung Tự (phường Phương Liên, quận Đống Đa) vừa được trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam trong niềm tự hào của người dân địa phương.
Ngày 15.4.2022 (ngày rằm tháng 3 năm Nhâm Dần), phường Phương Liên (quận Đống Đa) tổ chức Lễ dâng hương truyền thống di tích lịch sử văn hóa và cách mạng kháng chiến đình Trung Tự và đón nhận Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam - Cây thị đình Trung Tự.
Dự buổi lễ có GS.TS Đặng Huy Huỳnh - Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam; Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc quận Đống Đa Đỗ Trọng Nam; Phó Chủ tịch quận Đống Đa Trịnh Hữu Tuấn; lãnh đạo phường Phương Liên và đông đảo bà con nhân dân.
Ông Trần Vũ Đại - Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liên cho biết, đây là dịp để nhân dân, khách thập phương về thăm di tích Đình Trung Tự, cùng tỏ lòng thành kính, dâng hương Thượng Đẳng Tối Linh Thần Cao Sơn Đại Vương - vị thần linh thiêng đã phù trợ giúp giữ yên nhà nước Văn Lang cổ đại, bảo vệ ngôi báu vua Hùng và giúp vua Lê Tương Dực giành lại ngai vàng.
Nhắc lại quá trình lịch sử, năm 1932, Trung Tự đã có một chi bộ dự bị Đảng Cộng Sản Đông Dương được tổ chức hoạt động và thành lập tại khu di tích đình Trung Tự. Sự kiện đặc biệt này đã được Thành ủy – UBND Thành phố Hà Nội công nhận và ra quyết định gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến tại đình Trung Tự (quyết định số 756/QĐ – UBND ngày 4.2.2013) cùng bằng công nhận di tích lịch sử văn được xếp hạng từ năm 1992.
Ngày 30.3.2022 Chủ tịch Trung ương Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã ban hành Quyết định số 91/QĐ-HMTg về việc công nhận cây thị đình Trung Tự là Cây di sản Việt Nam.
Lãnh đạo phường Phương Liên nhấn mạnh, cây thị tại đình Trung Tự đã có từ nhiều đời nay. Người dân làng Trung Tự từ già đến trẻ đều gọi tên chung là cây thị cổ. Tuổi đời của cây đã trên 300 năm, cây dáng đứng thẳng 1 thân tán rộng đường kính 18m cao khoảng 30m. Chu vi gốc cây tại mặt đất khoảng trên 5m.
Tán cây tỏa mát một phần mái đình và sân đình. Hiện trạng cây xanh tốt hàng năm cây ra hoa kết trái đều đặn, quả thị rụng vàng kín cả sân đình.
Cũng tại nơi đây, dưới gốc cây thị cổ trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp, đã từng là nơi tụ họp của du kích làng Trung Tự chống quân Pháp xâm lược. Ngày nay mái đình làng, cây thị cổ là niềm tự hào, là những dấu ấn, những kỉ niệm không thể phai mờ của những người dân phường Phương Liên.
Tại buổi lễ, GS.TS Đặng Huy Huỳnh - Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây thị đình Trung Tự tới đại diện lãnh đạo quận Đống Đa, phường Phương Liên và nhân dân trong vùng.
GS.TS Đặng Huy Huỳnh khẳng định: Đình Trung Tự có cây thị hơn 300 năm tuổi đã được công nhận là cây di sản Việt Nam cần phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị cả về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cả về lịch sử cách mạng.
Qua đó giáo dục tình yêu quê hương, giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn thuần phong, mỹ tục, nét đẹp văn hóa địa phương. Đình là không gian văn hóa, cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai do thời gian và sự thăng trầm của lịch sử.
Dịp này, người dân địa phương cũng đã thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, dâng hương tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân tại đình Trung Tự.
Tương truyền, Thần Cao Sơn là con trai Lạc Long Quân, là một trong 50 người con theo cha lên núi và được thờ là vị thần thứ hai trong đền núi Tản Viên, khu vực đồng bằng Bắc Bộ là nơi tụ cư của người Việt. Do đó nhiều nơi thờ thần Cao Sơn (trong đó có di tích đình Trung Tự phường Phương Liên) là một nơi thờ vị Thần núi linh thiêng (Cao Sơn Đại Vương). Đình Trung Tự ngoài thờ Cao Sơn còn thờ phối hưởng Huệ Minh Công chúa.