Khả năng chưa thể thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp này theo đúng chương trình đã được đặt ra.
Nhiều lần được nhấn mạnh là rất khó, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10 (đa số các dự ánluật đều được thông qua theo quy trình hai kỳ họp - PV), nhưng sau nhiều lần chỉnh lý vẫn còn những vấn đề lớn về phân loại dự án đầu tư có tác động đến môi trường, về quy định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường , về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)...chưa thể chốt.
Đầu giờ thảo luận đã có 57 vị đăng ký phát biểu, con số cao ít thấy ở các buổi thảo luận dự án luật.
Đăng đàn đầu tiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhận xét, dự thảo luật mới nhất đã bỏ một số quy định chồng chéo, không thống nhất với các Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quy hoạch, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay vẫn duy trì rất nhiều những văn bản luật khác mà có nội dung liên quan tới bảo vệ môi trường, như Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên nước, Luật Đầu tư công... giữa các luật này vẫn còn nhiều điểm có sự giao thoa, chưa thống nhất, còn một số khoảng trống chưa được quy định, theo đại biểu chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cũng như công tác bảo vệ môi trường.
Băn khoăn của đại biểu còn ở chỗ việc đặt 2 phương án ở Điều 29, 30 đã kéo theo rất nhiều những điều luật ở Mục 2 Chương IV, từ Điều 29 đến Điều 50 của dự thảo luật cũng phải thiết kế thành hai phương án.
"Khi đọc dự án luật tôi có cảm giác rằng đây dường như là 2 luật chứ không phải là 1 luật. Ngoài những điều mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra hai phương án, nếu nghiên cứu sâu hơn thì chắc chắn sẽ có những điều luật còn bất cập và chắc chắn sẽ phải tính thêm các phương án khác", bà Hoa phát biểu.
Nhấn mạnh là dự thảo vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất, đại biểu đề nghị Quốc hội sẽ thông qua luật này ở kỳ họp sau.
19 phát biểu và 4 ý kiến tranh luận sau đó cũng cho thấy mức độ khó của lần sửa đổi này.
Về phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường quy định tại khoản 1 Điều 29 thì các dự thảo trình kỳ họp thứ 9 đều sử dụng cách phân loại dự án theo Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư PPP. Nhưng tại kỳ họp 10 thì Ban soạn thảo lại chuyển sang cách phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường và trong đó có sử dụng những yếu tố nhạy cảm về môi trường để phân loại, theo đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) là không ổn.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Minh Chuẩn lại chọn phương án mới, tức là phân loại dự án theo tiêu chí tác động đến môi trường do phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, thuận lợi và đơn giản cho việc xác định đối tượng phải đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường.
Ông Chuẩn cũng cho biết, tại kỳ họp thứ 9 đã tham gia góp ý 16 nội dung và tại kỳ họp này góp ý thêm 14 nội dung nữa.
Một nội dung khác cũng được đại biểu quan tâm là phân loại chất thải rắn tại nguồn và tính thuế thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng đây là chủ trương được đa số người dân ủng hộ cần triển khai thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định lộ trình thực hiện từ ngày 1/1/2025, theo đại biểu là quá lâu.
Còn theo đại biểu Dương Xuân Hoà (Lạng Sơn) thì quy định về phân loại lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt tại dự thảo là chưa bảo đảm tính khả thi.
Lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước.
Bên cạnh các vị đồng tình, cũng có một số ý kiến lo lắng đến vấn đề đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt của các công trình thủy lợi và vấn đề cấp phép xả nước thải thì đang được điều chỉnh tại Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi thì lại chỉnh sửa Luật Tài nguyên nước. Đây là một vấn đề cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý.
Hết giờ thảo luận, còn 34 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển để nghị đại biểu sẽ gửi văn bản cho Ban Thư ký Quốc hội để tổng hợp.
"Qua ý kiến phát biểu của các vị đại biểu có thể nói đây là một dự án luật rất khó, tác động đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng và nhận được sự quan tâm của nhân dân. Cho nên việc số lượng các đại biểu Quốc hội đăng ký nhiều như vậy cũng là một lẽ đương nhiên", ông Hiển nói.
Phó chủ tịch cũng đặt vấn đề, trường hợp còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ và chưa đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm một bước, trình Quốc hội tại kỳ họp sau.